Ông Lê Thông- Chủ nhiệm HTX xã Bình thạnh cho biết, địa phương từ xưa đã có con nhông sống, sinh sản và phát triển trong tự nhiên rất phong phú. Điều kiện đất đai khí hậu rất phù hợp cho con nhông sinh sống và phát triển. Đất đai ở Bình Thạnh chủ yếu là đất đồi gò chiếm diện tích lớn so với tổng diện tích tự nhiên trong toàn xã, nên rất thuận lợi cho việc nuôi nhông tập trung trong chuồng trại và rất phù hợp với môi trường sống của loài nhông. Tuy nhiên do điều kiện săn bắt những năm gần đây mất cân bằng sinh thái nên làm nguồn nhông tự nhiên ngày càng cạn kiệt. Vì con nhông là thực phẩm đặc sản của vùng nhưng nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trên thị truờng hiện nay.
Nhằm góp phần xói đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, cải thiện và nâng cao đời sống của các tổ viên trong tổ hợp tác, ngày 15/6/2011, HTX NN Bình Thạnh (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã tổ chức thành lập Tổ hợp tác chuyên nuôi nhông. Tổng số xã viên trong tổ là 24 người; diện tích xây dựng chuồng trại hiện khoảng 5000 m2, với kinh phí xây dựng chuồng trại khoảng 720 triệu đồng, ngay sau khi thành lập, các tổ viên trong tổ hợp tác đã thả nuôi khoảng 600 kg nhông giống. Tổ hợp tác được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc: Tự nguyện, bình đẳng, dân chủ và cùng có lợi; biểu quyết theo đa số, tự chủ về tài chính, tự trang trải các chi phí hoạt động và chịu trách nhiệm bằng tài sản của tổ và các tổ viên.
Ông Thông cho biết thêm, sau khi Tổ hợp tác thành lập, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi đã hỗ trợ một số nhông giống cho các hộ nuôi nhông trong tổ hợp tác, tình hình nhông nuôi trong các chuồng trại điều phát triển thuận lợi. Các tổ viên trong tổ hợp tác tiếp tục đầu tư phát triển nuôi nhông. Sau một thời gian nuôi, tháng 7, 8/2011 đã xuất bán ra thị trường khoảng 2 tấn thương phẩm, giá từ 350 – 400 nghìn đồng/Kg; tổng giá trị ước đạt 800 triệu đồng.
Trong năm 2012, UBND huyện Bình Sơn hỗ trợ kinh phí thực hiện phương án “Kỹ thuật nuôi nhông giống” cho Tổ hợp tác nuôi nhông Bình Thạnh”. Với số hộ tham gia là 6 hộ- là tổ viên Tổ hợp tác nuôi nhông Bình Thạnh. Trên cơ sở nội dung phương án hỗ trợ, UBND xã Bình Thạnh giao Tổ hợp tác nuôi nhông xã Bình Thạnh tổ chức thực hiện Phương án nuôi nhông giống. Tổ đã hướng dẫn các tổ viên xây dựng chuồng trại đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật của phương án; tận dụng nguồn thức ăn sẳn có của gia đình (rau lang, rau muống,...); công tác thú y và phòng bệnh được thực hiện nghiêm... đến nay đã đạt những kết quả khả quan.
Trong thời gian nuôi 04 tháng, tỷ lệ nhông sống đạt 98%. Đến nay nhông đã sinh sản cho nhông giống. Hạch toán hiệu quả kinh tế của 01 hộ nuôi cho thấy: Sau 1 năm, 20kg nhông giống (10-15 con/kg) sinh sản bình quân 2.400 con nhông con; nuôi khoảng 2 tháng tuổi đạt khoảng 34 kg nhông con (khoảng 60-70con/kg). Giá bán trung bình hiện nay 800.000 đồng/kg; tổng thu 27,2 triệu đồng (34kg x 800.000đ/kg); chi phí sản xuất 13,36 triệu đồng; lợi nhuận: 13,84 triệu đồng (27,2 triệu đồng – 13, 36 triệu đồng).
Anh Nguyễn Phi Hùng- nông dân tham gia mô hình phấn khởi: Việc tham gia nuôi nhông thương phẩm đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao. Nay thực hiện mô hình nuôi nhông giống càng mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Chỉ vài chục mét vuông chuồng trại, sau hơn nữa năm nuôi (tranh thủ thời gian nhàn rổi) đã đem lại lợi nhuận trên 13 triệu đồng. Nguồn nhông giống từ mô hình được bán cho các tổ viên trong Tổ hợp tác nuôi nhông Bình Thạnh và bà con có nhu cầu nuôi nhông trong huyện Bình Sơn.
Về hiệu quả xã hội, công tác phát triển giống, con vật nuôi mới được tiến hành trong thời gian qua đã tạo những chuyển biến mới cho nông dân, tạo tiền đề cho việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới, phát huy tối đa tiềm năng, năng suất vật nuôi; tạo ra được nghề chăn nuôi mới cho người nông dân nhàn rỗi; đa dạng sản phẩm chăn nuôi mang tính đặc sản. Nâng cao trình độ chăn nuôi, từ bỏ việc chăn nuôi theo truyền thống tiến đến trình độ chăn nuôi thâm canh, chuyên môn hóa có khoa học để nâng cao giá trị vật nuôi có chất lượng và giá trị kinh tế cao.
Vừa qua, Phòng NN&PTNT huyện Bình Sơn phối hợp với UBND xã Bình Thạnh tổ chức Hội nghị Tổng kết phương án “Hỗ trợ kỹ thuật nuôi nhông giống cho Tổ hợp tác nuôi nhông Bình Thạnh”. Tại đây, các đại biểu đã đánh giá, nuôi kỳ nhông mang lại hiệu quả kinh tế cao và an toàn dịch bệnh, trong khi công lao động không cần nhiều, thị trường đang hút hàng. Đây là một phương án mang tính ứng dụng cao, dễ thực hiện, hiệu quả kinh tế và thu nhập ổn định cho người chăn nuôi. Tác động KHKT làm thay đổi cơ bản phương thức chăn nuôi chất lượng đem lại hiệu quả kinh tế. Từ mô hình này địa phương sẽ nhân rộng cho các hộ khác trong xã và huyện học tập, phát triển nuôi nhông trên diện rộng.
Hải Yến