Sáng ngày 15 tháng 02 năm 2025, tại ấp Thạnh Hưng, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ đã diễn ra hội thảo sơ kết dự án với sự tham gia của hơn 100 đại biểu đến từ 05 tỉnh triển khai dự án. Hội nghị do Sở Nông nghiệp và PTNT thành phố Cần Thơ đồng chủ trì với Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền
Mục tiêu dự án là sử dụng giống lúa cấp xác nhận có chất lượng tốt, phù hợp cơ cấu giống của địa phương, và nhu cầu xuất khẩu. Giảm lượng giống gieo sạ theo tập quán hiện tại từ 120 - 180 kg/ha xuống còn 40 - 70 kg/ha đối với lúa sạ cụm; Kết hợp phương pháp sạ cụm với vùi phân để tăng hiệu quả sử dụng phân bón, đồng thời các loại phân bón chuyên dùng và phân hữu cơ được sử dụng trên lúa theo công thức phân bón của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền; Áp dụng đồng bộ kỹ thuật sản xuất 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm và biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM để giảm sử dụng thuốc BVTV; Quản lý dịch hại theo quy trình canh tác lúa thông minh thích ứng BĐKH vào trong sản xuất lúa; Thực hiện kỹ thuật tưới nước ngập - khô xen kẽ (AWD) để tiết kiệm nước, giảm phát thải và các giải pháp cơ giới hóa đồng bộ khác.
    |
 |
Ruộng tham gia mô hình của Hợp tác xã DVNN Tiến Dũng, ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ |
Các hộ thực hiện mô hình canh tác lúa giảm phát thải phục vụ phát triển bền vững vùng nguyên lúa gạo xuất khẩu của Đồng bằng sông Cửu Long tại Thành phố Cần Thơ đã áp dụng tốt phương pháp AWD rút nước được 4 lần/vụ: Lần 1 từ 12-17 ngày sau sạ, lần 2 từ 30-39 ngày sau sạ, lần 3 từ 50-55 ngày sau sạ, lần 4 trước khi thu hoạch từ 10-15 ngày. Khi nước trong ruộng dưới 10-15 cm so với mặt ruộng mới cho nước vào. Rút nước trước khi gieo, cho nước vào ruộng sớm 5-7 NSS để hạn chế cỏ. Cho nước vào ngập 3-5 cm trước mỗi lần bón phân, trước/sau giai đoạn trổ không để ruộng bị thiếu nước. Giai đoạn 42-65 NSS bơm nước vào. Trước khi thu hoạch 10-15 ngày rút nước khô để máy gặt đập liên hợp dễ dàng hoạt động.
Phân tích hiệu quả kinh tế cho thấy nếu áp dụng theo phương pháp sạ cụm vùi phân, sạ cụm không vùi phân và sạ drone thì có lợi nhuận tăng thêm 5.624.000 đồng/ha đến 9.405.000 đồng/ha so với canh tác truyền thống, do các phương pháp sạ cụm, sạ drone kết hợp với vùi phân đã giúp giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón, giảm số lượng và số lần phun thuốc BVTV, giảm áp lực bệnh và nhẹ công chăm sóc lúa, từ đó nâng cao lợi nhuận, tạo ra sản phẩm nông sản an toàn và nâng cao chất lượng so với sản xuất theo tập quán nông dân.
    |
 |
Hợp tác xã DVNN Tiến Dũng, ấp Thạnh Hưng, xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ thực hiện quy trình AWD thành công trên cánh đồng tham gia Dự án |
Việc thực hiện dự án giúp nông dân trồng lúa của các tỉnh tham gia dự án tiếp cận nhiều hơn các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới mới trong sản xuất lúa, định hướng được thị trường trong thời gian tới để tạo ra sản phẩm quả an toàn, chất lượng cao, đảm bảo sức khoẻ cho người sản xuất và người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, góp phần vào việc nâng cao nhận thức của nông dân và trách nhiệm của người sản xuất, từ đó sẽ nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trong việc sản xuất, tiêu thụ nhằm chuyển đổi ngành lúa gạo sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.