Xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa có 148 ha đất nông nghiệp, trong đó gần 120 ha chuyên sản xuất lúa. Vụ xuân 2015, được Tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ, bà con nông dân đã thực hiện mô hình thâm canh lúa cải tiến SRI. Qua 5 tháng thực hiện, bà con đã được trang bị kiến thức cơ bản về kỹ thuật thâm canh như: cấy mạ non 2 - 2,5 lá; cấy thưa để phát huy khả năng quang hợp, tạo điều kiện cho các dảnh lúa có khả năng phát triển thành dảnh hữu hiệu; điều tiết nước hợp lý; phòng trừ sâu bệnh hiệu quả… Mô hình đã giúp người dân tiết kiệm từ 30 - 40% chi phí về giống; 30% lượng phân bón, 50 - 100% lượng thuốc bảo vệ thực vật, 40% lượng nước tưới, tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khoẻ và môi trường sinh thái, góp phần nâng cao độ phì nhiêu của đất, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Ngoài huyện Hoằng Hóa, mô hình thâm canh lúa cải tiến theo SRI cũng đã được triển khai tại một số xã ven biển của huyện Quảng Xương và cho kết quả khả quan. Năng suất lúa tại mô hình đạt 350 - 400 kg/sào, cao hơn so với phương thức canh tác truyền thống của bà con.
Tại mô hình lạc che phủ xác thực vật ở xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa và xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương, bà con nông dân được được tập huấn các kỹ thuật trồng lạc giống L26 như: xác định khung thời vụ, làm đất, kỹ thuật bón phân, xử lý giống; mật độ, khoảng cách trồng; kỹ thuật che phủ rơm rạ; cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trong từng giai đoạn sinh trưởng của cây lạc cho đến khi thu hoạch và bảo quản sản phẩm. Tất cả các nội dung trên đều được hướng dẫn trực tiếp trên đồng ruộng, giúp bà con dễ thực hiện. Khi áp dụng mô hình này, bà con giảm chi phí về công làm cỏ, xới xáo, giảm lượng nước tưới, phân bón. Đến nay, cây lạc đã cho thu hoạch, năng suất đạt 300 - 320 kg/sào, cao hơn hẳn so với trồng lạc bằng biện pháp thâm canh truyền thống (200 kg/sào).
Đại biểu và bà con tham quan mô hình trồng lạc che phủ xác thực vật tại Hoằng Hóa, Thanh Hóa
Những đặc điểm như diện tích sản xuất nông nghiệp ít, đất dễ bị bạc màu do bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, hiện tượng thời tiết cực đoan... đều ảnh hưởng không tốt đến năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp của các xã ven biển. Mô hình sản xuất theo phương thức cải tiến, tận dụng tối đa các phụ phẩm trong nông nghiệp để làm phân bón hữu cơ vi sinh đã tạo ra sản phẩm an toàn cho sức khỏe và môi trường sinh thái, nâng cao độ phì nhiêu của đất. Mô hình đã làm thay đổi tập quán canh tác của bà con nông dân, giúp bà con có thêm nhiều kiến thức, quy trình canh tác mới trong nông nghiệp.
Trên cơ sở kết quả của các mô hình, Tổ chức Tầm nhìn thế giới đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, ngành nông nghiệp các huyện tổ chức hội thảo đánh giá, chia sẻ kinh nghiệm, từ đó nhân rộng mô hình, giúp bà con vùng ven biển Thanh Hóa lựa chọn được phương thức canh tác đạt hiệu quả kinh tế cao.
Thu Hiền
Trung tâm Khuyến nông Thanh Hóa