Để hỗ trợ người nông dân trong xã được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) mới trong chăn nuôi gà, năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKN) Hòa Bình đã phối hợp với UBND xã Thanh Lương thực hiện dự án Khuyến nông “Chăn nuôi gà thả vườn".

 Được triển khai thực hiện từ tháng 5/2014, mô hình nuôi gà thả vườn có qui mô 2.000 con với 8 hộ nông dân tham gia có đủ điều kiện về chuồng nuôi, vườn chăn thả, khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng và cam kết thực hiện những quy định theo yêu cầu kinh tế, kỹ thuật của dự án.

Dự án đặc biệt chú trọng công tác tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để người dân áp dụng thành thục KHKT trong việc nuôi gà thả vườn. Theo đó, 100% số hộ tham gia mô hình đều được phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật nuôi gà thả vườn. Mỗi hộ tham gia mô hình được hỗ trợ 80% con giống, 40% thức ăn, thuốc thú y...

Sau 4 tháng triển khai, kết quả mô hình cho thấy, mô hình gà thả vườn phù hợp với khả năng, điều kiện nuôi của người dân địa phương. Gà sinh trưởng và phát triển nhanh, đồng đều, ít dịch bệnh, trọng lượng trung bình đạt 1,5kg/con. Với giá bán 90.000-100.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí, nông dân có thể thu lãi 36.000 đồng/một con gà.

 Có được kết quả trên là nhờ các hộ nuôi gà đã tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật. Ông Nguyễn Văn Hình, ở thôn Sấu Thượng - nông dân tham gia mô hình cho biết: “Ở địa phương đã có nhiều hộ nuôi gà thả vườn, nhưng người dân chỉ nuôi theo kiểu nhỏ lẻ, manh mún, chưa có sự đầu tư chăm sóc nên gà thường sinh trưởng kém và dễ bị dịch bệnh. Nay nuôi theo hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ chăn nuôi nên gà lớn nhanh và khỏe mạnh. Đồng thời, bà con đã thực hiện làm chuồng nuôi ở vị trí cao ráo, thoáng mát, sạch sẽ và có diện tích sân vườn phù hợp. Gà nuôi thả nhưng luôn đảm bảo lượng thức ăn và nước cần thiết theo trọng lượng, bên cạnh đó, hộ nuôi sử dụng vắc xin và thuốc kháng sinh, vitamin phòng bệnh đúng theo quy trình kỹ thuật, đảm bảo cho gia cầm được khỏe mạnh và tăng hiệu quả kinh tế”. 

 Ông Quách Công Thinh - Chủ tịch UBND xã Thanh Lương cho biết: “Mặc dù mới là năm đầu tiên triển khai, nhưng mô hình khá phù hợp với nguyện vọng của người dân ở địa phương và định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh và huyện. Mô hình đã góp phần giúp người dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Với các ưu điểm: đầu tư ban đầu ít, cần ít công lao động; tận dụng triệt để thức ăn thừa trong sinh hoạt gia đình, hay sản phẩm phụ trong canh tác rau màu, nuôi gà thả vườn được coi là mô hình phát triển kinh tế có nhiều triển vọng trên địa bàn”.

        Thanh Hằng

 Trung tâm KNKN Hòa Bình