Trong đó, có vai trò đóng góp quan trọng của công tác khuyến nông, nổi bật là các dấu ấn:

1. Khuyến nông phục vụ tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững

Triển khai đồng bộ nhiều hoạt động khuyến nông chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất: xây dựng 439 mô hình trình diễn khuyến nông, tổ chức đào tạo, tập huấn 28.000 lượt người, tuyên truyền trên 200 tin, bài, ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức 9 sự kiện… góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho bà con nông dân, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

2. Khuyến nông phát triển vùng nguyên liệu chủ lực của ngành

Thực hiện tuyên truyền 150 tin, bài, ảnh, tổ chức 4 sự kiện tọa đàm, diễn đàn, hội thảo với các chủ đề về xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu; tổ chức 42 lớp tập huấn, 10 đoàn khảo sát học tập, xây dựng 2 cuốn tài liệu, 16 video clip kỹ thuật về các tiến bộ kỹ thuật mới, sản xuất có chứng nhận góp phần phát triển vùng nguyên liệu lúa, cà phê, cây ăn quả, lâm nghiệp đạt chuẩn; triển khai 09 dự án khuyến nông trung ương phục vụ phát triển vùng nguyên liệu lúa gạo ĐBSCL, vùng nguyên liệu cây ăn quả ĐBSCL, Tây Bắc, Tây Nguyên, vùng nguyên liệu gỗ Bắc Trung Bộ, vùng nguyên liệu tôm, cá tra ĐBSCL; liên kết với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân (tại Sơn La: kết nối với Công ty DOVECO Sơn La, Công ty Bảo Lâm tiêu thụ sản phẩm dứa quả cho nông dân huyện Yên Châu, Quỳnh Nhai và Mộc Châu; tại Hoà Bình: kết nối với Công ty FUSA tiêu thụ sản phẩm chanh leo, dứa cho các hợp tác xã; tại Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông: kết nối với Công ty Vĩnh Hiệp tiêu thụ sản phẩm cà phê; vùng Đồng Tháp Mười: kết nối với Công ty T&T hướng dẫn quy trình xây dựng mã số vùng trồng cho 4 Tổ hợp tác sầu riêng với diện tích 106,22 ha, 217 hộ nông dân…).

3. Khuyến nông cộng đồng phát triển ấn tượng

Sau năm đầu triển khai thí điểm, Đề án khuyến nông cộng đồng đã nhận được sự quan tâm, kỳ vọng rất lớn của các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là bà con nông dân. Tại 13 tỉnh tham gia Đề án đã thành lập được 26 tổ khuyến nông cộng đồng (KNCĐ) đi vào hoạt động ổn định. Hiện tại trên cả nước đã có thêm 30 tỉnh do nhận thấy tầm quan trọng và sự cần thiết phải có tổ KNCĐ trong xây dựng nông thôn mới nên đã chủ động thành lập (Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Phòng, Thái Nguyên, Hà Nội, Bình Định, Bình Phước, Quảng Nam, Ninh Thuận, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ, Phú Thọ, Điện Biên, Yên Bái, Thái Bình…), với tổng số khoảng 3.500 tổ. Trong năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai các hoạt động tăng cường năng lực cho các tổ khuyến nông cộng đồng: 26 lớp tập huấn, 15 cuộc tọa đàm, 13 đoàn tham quan học tập, tư vấn, hướng dẫn xây dựng kế hoạch, đào tạo, phương án sản xuất, kinh doanh, tổ chức các sự kiện nhằm thông tin tuyên truyền về các kết quả và hiệu quả của Đề án.

4. Khuyến nông góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển sản phẩm OCOP

Tuyên truyền 300 tin, bài, ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tổ chức 1 diễn đàn và 3 hội chợ triển lãm tại các vùng đồng bằng sông Hồng, Trung du miền núi phía Bắc, Duyên hải miền Trung nhằm thúc đẩy phát triển các sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới; tổ chức 10 lớp tập huấn, 12 đoàn khảo sát học tập cho cán bộ, cộng tác viên khuyến nông và nông dân chủ chốt trang bị các kiến thức về phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm đặc sản, truyền thống và có lợi thế ở địa phương; triển khai các dự án khuyến nông xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất sản phẩm OCOP như: lúa bản địa Séng Cù, Già Dui, Tan Pỏm, Tú Lệ, Khẩu Nua Lếch, cây ăn quả: cam Khe Mây, cam Xã Đoài, CS1, bưởi Phúc Trạch, cam Thanh Đức, chè Hùng Sơn, chè Tây Sơn, nuôi ong, nuôi vịt, trồng cây giổi ăn hạt, sa nhân tím, đẳng sâm, nuôi cá trắm đen, chế biến nước mắm,…

leftcenterrightdel
 Tổ Khuyến nông cộng đồng tại Sơn La kết nối với Công ty DOVECO tiêu thụ dứa cho bà con nông dân

5. Chuyển đổi số được chú trọng triển khai

Trung tâm đã phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông giai đoạn 2023 - 2027; xây dựng phần mềm quản lý dự án khuyến nông, tổ chức 6 lớp tập huấn, 2 hội thảo với chủ đề về chuyển đổi số trong hoạt động khuyến nông gắn với tổ KNCĐ, phát triển vùng nguyên liệu; mở chuyên mục “chuyển đổi số” trên website khuyến nông Việt Nam đăng tải gần 100 tin, bài ảnh về hoạt động chuyển đổi số trong hệ thống khuyến nông Việt Nam; duy trì và phát triển trang “phiên chợ khuyến nông” trên website với trên 300 sản phẩm từ các mô hình khuyến nông tiêu biểu vùng miền.

6. Kỷ niệm 30 năm Khuyến nông Việt Nam (1993-2023)

Lễ kỷ niệm được tổ chức vào ngày 26 - 27/10/2023 tại tỉnh Quảng Ninh, thu hút gần 1.000 đại biểu tham dự, bao gồm: các đồng chí Lãnh đạo Bộ, nguyên Lãnh đạo Bộ, các Bộ, Ngành Trung ương, Ủy ban nhân dân, Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông 63 tỉnh, thành phố, các Cục, Vụ, Viện, Trường, Doanh nghiệp, báo chí, tổ chức quốc tế,... Bên cạnh buỗi lễ chính, các toạ đàm về phát triển khuyến nông cộng đồng, Khuyến nông số đã thu hút trên 300 đại biểu tham dự và chia sẻ, thảo luận, cùng hướng tới sự phát triển bền vững, hiệu quả của khuyến nông cộng đồng và khuyến nông số. Đã có 60 đơn vị, tổ chức, địa phương trưng bày sản phẩm tiêu biểu vùng, miền; sản phẩm từ mô hình khuyến nông, quy trình công nghệ, giải pháp sáng chế... với gần 100 gian hàng; Sự kiện được phát sóng trực tiếp trên kênh VTC16, youtube và đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng như VTV1, VTV2, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Truyền hình Quốc hội... Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của khuyến nông trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào, tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ khuyến nông, tạo động lực để hệ thống khuyến nông tiếp tục phát triển mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

leftcenterrightdel
 Quá trình 30 năm đổi mới và phát triển đã góp phần khẳng định vị thế của khuyến nông Việt Nam trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn

7. Chiến lược phát triển Khuyến nông Việt Nam

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được Bộ phân công chủ trì xây dựng Chiến lược phát triển Khuyến nông đến năm 2030, định hướng đến năm 2050. Trung tâm đã tổ chức tổng kết đánh giá công tác khuyến nông thời gian qua, nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, kinh nghiệm khuyến nông quốc tế để xây dựng dự thảo Chiến lược; tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương; tổ chức hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia trong nước và quốc tế; báo cáo Ban Cán sự Đảng Bộ NN&PTNT. Hiện nay Trung tâm đang tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Chiến lược để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

8. Tham gia Festival Quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam – Hậu Giang 2023

Theo phân công của Bộ, Trung tâm đã thiết kế và trưng bày Chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo với 10 phân khu, gần 50 đơn vị, doanh nghiệp, viện, trường trưng bày, giới thiệu các thành tựu, tiến bộ kỹ thuật, quy trình công nghệ, các trang thiết bị vật tư, sản phẩm, phân bón ... trong chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo; các mô hình canh tác bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, mô hình canh tác lúa thông minh tại các tỉnh vùng ĐBSCL. Tại khu vực trưng bày của Trung tâm với không gian 60m2, đã giới thiệu quy trình canh tác lúa thông minh, canh tác giảm phát thải của các doanh nghiệp đồng hành với khuyến nông (Bình Điền, Bayer, AHA, Vinaseed...); giới thiệu công nghệ, quy trình xử lý phế phụ phẩm rơm rạ (Viện KHNN miền Nam) làm thức ăn chăn nuôi, phân bón, trồng nấm... cùng gần 70 sản phẩm từ chuỗi ngành hàng lúa gạo của khuyến nông 12 tỉnh ĐBSCL tham gia trưng bày. Trong thời gian diễn ra lễ hội, các cán bộ của Trung tâm đã tiếp đón, giới thiệu, trao đổi và tư vấn cho hàng nghìn lượt khách tham quan gian hàng. Khu trưng bày cũng vinh dự được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Lê Minh Hoan, nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, tổ chức trong nước và quốc tế tham quan.

Đồng thời, Trung tâm đã tham gia chỉ đạo trình diễn công nghệ cơ giới hoá gieo sạ chính xác và sử dụng phân bón thông minh của các Công ty Sài Gòn Kim Hồng và Công ty CP Phân bón Bình Điền.

Đây là chuỗi hoạt động thiết thực, thể hiện tâm thế sẵn sàng vào cuộc triển khai Đề án 1 triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia được Bộ giao là thành viên Ban chỉ đạo Đề án, Tổ trưởng Tổ truyền thông và khuyến nông cộng đồng.

9. Hợp tác quốc tế và hợp tác PPP tiếp tục được đẩy mạnh

Triển khai đồng bộ nhiều hoạt động hợp tác quốc tế và hợp tác công tư PPP như: triển khai các dự án hợp tác với JICA, hợp tác với FAO, đề xuất các dự án mới (Dự án tăng cường chuỗi lúa gạo ở Sierra Leone; dự án tăng cường chuỗi giá trị vừng tại Việt Nam...); hợp tác công tư PPP nhằm tăng cường nguồn lực cho các hoạt động khuyến nông thông qua các nội dung hợp tác với các đối tác: Bayer, Bình Điền, Quỹ Thiện Tâm, CARE ... đồng thời tăng cường hợp tác với nhiều đối tác khác (GCP, FAO, GIZ, Baywa, Agribank, Hải Phong, BioPlan, Vinacontrol...). Tổ chức đón tiếp 20 đoàn vào đến từ các nước: Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản, Đài Loan, Cuba, Lào…; tổ chức 9 đoàn ra tham gia các hoạt động hội nghị, hội thảo, khảo sát, đào tạo tập huấn tại các nước Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào. Phối hợp với Quỹ Thiện Tâm hỗ trợ trang thiết bị cho 30 tổ khuyến nông cộng đồng và hỗ trợ các hợp tác xã phát triển các mô hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn điển hình gắn với xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí 60 tỷ đồng.

10. Kết nối hệ thống khuyến nông

Với phương châm “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”, người nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Mọi hoạt động khuyến nông cần phải hướng tới người nông dân, xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của nông dân và phù hợp với năng lực, điều kiện sản xuất của nông dân. Khuyến nông phải nâng cao tri thức của người nông dân, cung cấp nhiều kiến thức, nhiều kỹ năng, nhiều thông tin cho người nông dân. Theo chức năng, nhiệm vụ mới, khuyến nông thực hiện nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước và thực hiện các nhiệm vụ sự nghiệp về khuyến nông. Vì vậy, vai trò của khuyến nông càng quan trọng hơn bao giờ hết là đầu mối kết nối giữa các cơ quan để đưa những vấn đề về tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường đến với người nông dân, hỗ trợ người nông dân những công nghệ, những kỹ thuật, những thông tin, kiến thức. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là hạt nhân để kết nối hệ thống khuyến nông ở cơ sở. Các địa phương đã quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác khuyến nông, tập trung củng cố và phát triển các mô hình khuyến nông cộng đồng để trở thành lực lượng chủ lực của ngành nông nghiệp ở cơ sở gắn với phát triển các vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản quy mô lớn, đạt chuẩn.

TTKNQG