Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, đặc biệt là hạn hán, thiếu nguồn nước sản xuất, nhất là thiếu nước cuối vụ đông xuân gây khó khăn cho việc sản xuất. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận nói chung tình trạng gieo sạ lúa còn dày, lượng gieo từ 200 đến 250 kg/ha còn phổ biến; trong canh tác lúa bà con nông dân thường xuyên để ruộng ngập nước làm ảnh hưởng đến lượng nước tưới vốn đã thiếu hụt lại thiếu hụt hơn, gây nên hao tổn nước tưới vô dụng. Bên cạnh đó, sự gắn kết giữa nhà khoa học, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người sản xuất còn hạn chế, đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định, sử dụng phân bón chưa hợp lý...

Xuất phát từ những thực trạng trên, từ năm 2016, hưởng ứng chương trình do Bộ Nông nghiệp và PTNT phát động: “Giảm lượng hạt giống gieo sạ để tiết kiệm chi phí sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng kỹ thuật canh tác tiết kiệm nước để ứng phó với tình trạng nắng hạn, thiếu nước sản xuất nhằm chuyển biến nhận thức và thực hành của nông dân về giảm lượng giống gieo sạ hợp lý; quản lý nước hiệu quả và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững”; Bình Thuận đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất lúa cải tiến SRI thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với bao tiêu sản phẩm cho người nông dân nhằm tuyên truyền, vận động nông dân thay đổi tập quán canh tác.

Nhằm đánh giá kết quả thực hiện sau gần 7 năm phát động của Bô Nông nghiệp và PTNT; ngày 27/10/2023, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Bình Thuận phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các cơ quan liên quan trong và ngoài tỉnh tổ chức hội thảo “Giải pháp liên kết sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu”. Hội thảo có sự tham dự của đại diện các sở, ngành liên quan và trên 120 nông dân trồng lúa trên địa bàn tỉnh.

Hội thảo là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp và nông dân trao đổi, làm rõ thêm những khó khăn, tồn tại, những bất cập, chia sẻ thêm những kinh nghiệm hay từ thực tiễn. Đồng thời đề xuất thêm các giải pháp liên kết sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu của tỉnh trong thời gian tới.

Các tham luận trình bày tại hội thảo bao gồm đánh giá tình sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh (diện tích, sản lượng); công tác xã hội hóa sử dụng giống lúa xác nhận vào sản xuất; công tác nghiên cứu khoa học, khuyến nông; giới thiệu một số mô hình sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu theo liên kết chuỗi trong thời gian qua, hiệu quả tác động mô hình thực hiện, những thuận lợi khó khăn thực hiện mô hình liên kết sản lúa thích ứng với biến đổi khí hậu; giới thiệu một số công tác lai tạo, chọn lọc các giống lúa mới phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu; canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu; sử dụng phân bón hợp lý cho sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu; định hướng sản xuất lúa, các mô hình thực hiện thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Hội thảo cũng thông tin về một số mô hình sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu theo liên kết chuỗi; định hướng thực hiện mô hình trong thời gian tới. Đồng thời giới thiệu một số giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu, giới thiệu một số quy trình sản xuất lúa thông minh, kỹ thuật canh tác lúa, kỹ thuật bón phân… Trong đó, một trong các giải pháp là nông dân cần gieo sạ mật độ hợp lý; sử dụng nước tiết kiệm có hiệu quả; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc BVTV sinh học nhằm giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế; hạn chế các tác động xấu đến môi trường sinh thái và góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu; đồng thời, sản xuất lúa không tạo ra các chất gây ô nhiễm, không làm tổn hại đến vi sinh vật đất và thiên địch, góp phần cân bằng sinh thái đồng ruộng, hướng đến sản xuất nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững.

Các đại biểu đề nghị các cơ quan chức năng, nhất là ngành nông nghiệp cần nghiên cứu thêm các giải pháp đẩy mạnh liên kết sản xuất lúa, nhất là quan tâm xây dựng thêm nhiều mô hình mới, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới phục vụ cho sản xuất lúa để người dân học tập làm theo vào điều kiện cụ thể của tỉnh.

Đối với lĩnh vực khuyến nông, tiếp tục duy trì hằng năm nhân mô hình sản xuất lúa cải tiến SRI và lúa SRI định hướng hữu cơ từ 50 -100 ha; phấn đấu đến năm 2025 đạt 1.500 ha; năng suất bình quân tăng ổn định từ 3-5 tạ/ha; trong đó, ưu tiên phát triển sản xuất lúa định hướng hữu cơ theo chuỗi liên kết tại các vùng đồng bằng đạt 80 - 85 % kế hoạch; còn lại mở rộng diện tích lúa cải tiến SRI chuỗi liên kết cho vùng đồng bào dân tộc; tăng cường tập huấn, tuyên truyền rộng rãi cho nông dân tại các địa phương về sản xuất lúa về quy trình “Thâm canh cây lúa theo phương pháp cải tiến SRI”, lồng ghép các kiến thức về bình đẳng giới, bình quân từ 30 – 50 lớp cộng đồng/năm; góp phần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất kinh tế nông nghiệp; chất lượng sản phẩm cao hơn, an toàn, thân thiện với con người, với môi trường; hiệu quả kinh tế tăng trên 20% so với ngoài mô hình; tiêu thụ tối thiểu 80% sản phẩm từ mô hình.

Hồ Công Bình

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận