Cuộc họp có sự tham gia của ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cùng các lãnh đạo, đại diện Hợp tác xã (HTX) lúa từ các huyện, thị xã trong tỉnh.
    |
 |
Ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông phát biểu tại cuộc họp |
Với nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ, Tây Ninh được xem là một trong những địa phương trọng điểm về sản xuất và gia công lúa giống tại miền Nam. Năm 2024, tỉnh gieo trồng khoảng 146.700 ha lúa, với năng suất ước đạt 56 tạ/ha, mang lại sản lượng hơn 821.000 tấn. Các giống lúa phổ biến bao gồm OM5451, OM6976, Đài Thơm 8, ST25... Tuy nhiên, giá lúa giống trên địa bàn tỉnh có nhiều biến động. Tính đến tháng 2/2025, các giống lúa như IR50404, OM6976, OM18 có giá dao động từ 9.000 - 12.000 đồng/kg, tùy thuộc vào chất lượng và nguồn gốc giống. Nhu cầu về các giống lúa chất lượng cao luôn vượt quá nguồn cung, buộc tỉnh phải nhập giống từ các địa phương khác, đẩy giá thành lên cao. Bên cạnh đó, mặc dù có những tín hiệu tích cực về giá và thị trường nhưng nông dân vẫn gặp khó khăn do chi phí gia công cao và công nghệ sản xuất chưa thực sự tối ưu. Các chi phí từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến nhân công đều tăng, trong khi giá lúa bán ra lại không tăng tương xứng. Mục tiêu của cuộc họp là tìm ra các giải pháp và định hướng cho chuỗi sản xuất, tiêu thụ lúa giống và gia công lúa giống, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tối ưu hóa quy trình sản xuất và gia tăng giá trị gia tăng trong ngành.
Tại cuộc họp, đại diện các HTX đã có nhiều ý kiến chia sẻ về những khó khăn trong sản xuất và gia công lúa giống. Hầu hết các HTX hiện nay điều đang tìm nguồn cung cấp lúa giống với giá cả hợp lý và chất lượng đảm bảo.
Ông Trần Văn Thậm, đại diện HTX sản xuất lúa, cho biết: "Chúng tôi rất mong Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ thêm về kỹ thuật, đưa cán bộ xuống thăm đồng thường xuyên hơn và đầu tư thêm thiết bị máy móc hiện đại. Việc gia công lúa giống tại Trung tâm nếu được thực hiện hiệu quả sẽ giúp HTX tiết kiệm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm."
Ông Hà Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết hiện nay Trung tâm đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (PTNT) đầu tư hệ thống thiết bị hiện đại, bao gồm máy sấy lúa, máy tách hạt và kho chứa với tổng sức chứa hơn 500 tấn. Hai máy sấy lúa có công suất 25 tấn/lần sấy cùng các thiết bị khác đang dần hoàn thiện tại Trại thực nghiệm. Trung tâm sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn và doanh nghiệp để hỗ trợ HTX trong việc chứng nhận, kiểm định chất lượng giống, đồng thời liên kết sản xuất và tiêu thụ, giúp tăng lợi nhuận cho người sản xuất.
Ông Hà Thanh Tùng nhấn mạnh ba định hướng trong thời gian tới:
- Điều chỉnh giá lúa giống hợp lý, đảm bảo chất lượng và đáp ứng nhu cầu của nông dân, giúp duy trì ổn định cho người sản xuất.
- Hỗ trợ gia công lúa giống với giá thành hợp lý, phối hợp chặt chẽ cơ quan chuyên môn kiểm định và bảo quản giống để nâng cao hiệu quả sản xuất.
- Đẩy mạnh liên kết chuỗi sản xuất ngành lúa gạo, kết nối các doanh nghiệp và HTX trong toàn bộ chuỗi cung ứng, từ sản xuất giống đến tiêu thụ.
Cuộc họp đã mở ra nhiều cơ hội và hướng đi mới cho các HTX sản xuất lúa giống tại Tây Ninh. Sự kết nối chặt chẽ giữa Trung tâm Khuyến nông, các HTX và doanh nghiệp hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi tích cực, giúp người nông dân tăng thu nhập và phát triển sản xuất bền vững trong tương lai.
Nguyễn Thị Mỹ Hằng
Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh