Tham dự tập huấn có gần 120 đại biểu là cán bộ thủy sản, khuyến nông, các các hộ ương, nuôi cá tra, thành viên Câu lạc bộ Nuôi trồng Thủy sản VietGAP, Hợp tác xã, và các công ty, doanh nghiệp nuôi, chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng chuỗi cung ứng cá tra bền vững tại Việt Nam (SUPA)” do Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) phối hợp với Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên thiên (WWF-Việt Nam và WWF-Áo), Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thực hiện, với sự tài trợ của Ủy ban Châu Âu (EC).

Khóa tập huấn thu hút sự tham gia của đông đảo các đại biểu và bà con nông dân.
Mục tiêu khóa tập huấn, tìm ra các giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao tỷ lệ sống và chất lượng cá tra thương phẩm trong quá trình ương và nuôi thâm canh trong ao đất, góp phần làm giảm giá thành cho hộ dân, các trang trại nuôi cá tra xuất khẩu ở tỉnh Đồng Tháp.
Nội dung tập huấn gồm quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá tra, quy trình kỹ thuật nuôi cá tra thương phẩm xuất khẩu trong ao đất do các giảng viên Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ giảng.
Theo PGS.TS. Vũ Ngọc Út, Phó Trưởng Khoa Thủy sản (Đại Học Cần Thơ), việc ương cá tra giống từ bột lên hương hiện nay đạt tỷ lệ chưa cao, do đó Dự án SUPA, Khoa Thủy sản đã nghiên cứu và nhận định thức ăn tự nhiên cho cá tra bột là chưa phù hợp. Muốn ương nuôi đạt tỷ lệ sống cao phải bổ sung luân trùng (Brachionus angularis) và trứng nước (Monia) 10 ngày đầu, nhất là 03 ngày đầu tiên sau khi nở; áp dụng quy trình cho ăn luân trùng suốt 3 ngày đầu sau khi nở 24 giờ, với tần suất 4-6 lần/ngày, mật độ 7-8 con/ml thì sẽ đạt tỷ lệ sống lên đến 28%.
PGS.TS Dương Nhựt Long cho biết, muốn giảm giá thành nuôi thì phải áp dụng đồng bộ từ khâu ương cá tra bột đến nuôi cá tra thương phẩm, phải giảm hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) và tăng cường tỷ lệ nuôi sống từ đó sẽ giảm được giá thành cá tra thương phẩm (giống và thức ăn chiếm khoảng 90% giá thành).
Được biết, dự án SUPA sẽ hỗ trợ từ khâu ương giống đến thị trường tiêu thụ thông qua việc áp dụng các kỹ thuật bền vững hơn với môi trường và cải thiện liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Thông qua khóa tập huấn, trang bị thêm kiến thức cho người làm công tác khuyến nông, cán bộ thủy sản và nông dân về quy trình kỹ thuật sản xuất giống cá tra, quy trình kỹ thuật nuôi cá tra thương phẩm xuất khẩu trong ao đất nhằm giảm giá thành sản phẩm, giúp nghề nuôi cá tra tại Đồng Tháp nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung ngày càng phát triển bền vững./.
Nguyễn Trí Tuệ
Trung tâm KNKN Đồng Tháp