Với mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo đột phá, thay đổi tập quán canh tác và nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo giá trị bền vững, tháng 3/2025 HTX Sản xuất, thương mại dịch vụ, du lịch Xuyên Sơn (gọi tắt là HTX Xuyên Sơn) ở xã Cẩm Thịnh, huyện Cẩm Xuyên đã được thành lập và bắt tay vào xây dựng Trung tâm nuôi cấy mô nhằm phục vụ nguồn cây giống trong sản xuất nông lâm nghiệp.
Với tầm nhìn dài hạn phát triển nông nghiệp bền vững phải dựa trên khoa học và công nghệ nên HTX Xuyên Sơn đã lựa chọn hướng sản xuất giống và chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đồng đều và sạch bệnh.
    |
 |
Cán bộ kỹ thuật HTX Xuyên Sơn đang kiểm tra sự phát triển của các loại cây giống bằng công nghệ nuôi cấy mô |
Ông Hoàng Trung Thông – Giám đốc HTX Xuyên Sơn cho biết: Sau khi xây dựng, để đáp ứng quy trình sản xuất công nghệ cao, HTX đã trang bị hệ thống thiết bị hiện đại như: tủ cấy sinh học, phòng nuôi, hệ thống hấp sấy, máy móc và hoá chất chuyên dụng... nhằm xây dựng trung tâm nuôi cấy mô với công suất sản xuất hơn 1 triệu cây giống/năm.
Quy trình nhân giống được thực hiện nghiêm ngặt, từ tuyển chọn vật liệu đầu dòng, khử trùng mẫu, cấy chuyển trên môi trường dinh dưỡng đến giai đoạn ra cây và thuần hóa. Các giống được nhân tại đây gồm keo lai, bạch đàn, dó bầu, lan Hồ Điệp… với ưu điểm sạch bệnh, đồng đều và sinh trưởng ổn định.
“Mỗi kỹ thuật viên ở đây đều được đào tạo bài bản, làm việc cẩn trọng và ti mỉ để đảm bảo chất lượng từng lô cây giống. Theo đó, để đáp ứng về quy trình công nghệ, ngoài 2 kỹ sư nông nghiệp, HTX đã tuyển dụng 8 kỹ thuật viên và thuê chuyên gia của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa tập huấn, đào tạo trong 3 tháng. Hiện nay, trung tâm đang tạo việc làm cho 10 lao động. Thời gian tới, HTX Xuyên Sơn sẽ tuyển dụng thêm 10 kỹ thuật viên để đào tạo, đáp ứng quy mô sản xuất”. Ông Thông cho biết thêm.
Trung tâm nuôi cấy mô của HTX Xuyên Sơn được xây dựng với diện tích khoảng 1,5 ha, tổng mức đầu tư khoảng 2 tỷ đồng. Để duy trì hoạt động bền vững, hiện nay, HTX đã kết nối được các đơn hàng giống keo lai số lượng lớn ở 3 tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Chị Phan Thị Tâm – cán bộ kỹ thuật HTX Xuyên Sơn chia sẻ: “Nuôi cấy mô từ tế bào thực vật là phương pháp kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay và ngày càng phổ biến, giúp sản xuất nhanh và đồng loạt các loại giống cây trồng mà vẫn lưu giữ được hoàn toàn đặc tính của cây gốc. Để sản xuất cây giống từ nuôi cấy mô, HTX Xuyên Sơn phải mất thời gian từ 1 – 2 năm (tùy giống cây) và trải qua rất nhiều công đoạn kỹ thuật. Ưu điểm của phương pháp công nghệ này là nhân giống với số lượng lớn mang đặc tính tốt giống hệt cây mẹ, đáp ứng nguồn giống quanh năm với chất lượng tốt, đồng đều, sạch bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Cũng theo chị Tâm, so với cây giống giâm hom, cây giống nuôi cấy mô phát triển nhanh hơn 20%, có bộ rễ cọc chống chịu tốt hơn với gió bão, thuận lợi cho mô hình trồng rừng gỗ lớn. Giống sản xuất bằng phương pháp nuôi cấy mô sẽ ít bị sâu bệnh hơn và chất lượng gỗ phục vụ nguyên liệu chế biến cũng tốt hơn.
    |
 |
Hiện nay Trung tâm đã nhân giống thành công trên 300.000 cây keo lai để cung ứng cho người dân các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị |
“Hiện trung tâm đã nhân giống thành công trên 300.000 cây keo lai, HTX đã ký hợp đồng cung cấp cho người dân trồng rừng ở các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị với giá 2.400 đồng/cây. Mặc dù giá cây giống nuôi cấy mô đắt hơn so với cây giống giâm hom nhưng chất lượng cây giống khỏe hơn và sẽ cho gỗ lớn hơn sau thu hoạch” - Chị Phan Thị Tâm cho biết thêm.
Ông Nguyễn Hữu Thịnh - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thịnh cho hay: “HTX Xuyên Sơn là HTX đầu tiên trên địa bàn Hà Tĩnh đưa công nghệ cao vào sản xuất cây, con phát triển nông nghiệp, nhất là công nghệ nuôi cấy mô để sản xuất cây giống. Chúng tôi cũng đang kỳ vọng từ trung tâm nuôi cấy mô sẽ phát triển khoảng 30 vườn ươm cung cấp cây giống cho các tỉnh Bắc Trung Bộ”.
Với sự đầu tư bài bản, quy mô và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, HTX sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho lao động, mở ra hướng đi mới trong phát triển cây con chủ lực cho vùng sơn trà xã Cẩm Thịnh và thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển, nâng cao đời sống cho người dân. Mô hình còn góp phần khẳng định hiệu quả của ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống quy mô lớn, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại và bền vững.
Nguyễn Hoàn
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh