Ngày 6/12/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Hội Sinh vật cảnh Việt Nam (SVC) và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp dựa trên tiềm năng, lợi thế phát triển hoa, cây cảnh”.

 

Hội thảo đã thông qua nhiều báo cáo tham luận của nhiều chuyên gia và đại biểu hoạt động trong ngành nông nghiệp nói chung và SVC nói riêng. Theo đó, các chuyên gia đã đưa ra nhận định tiềm năng và thế mạnh của hoa, cây cảnh trong nước còn nhiều, nếu được đầu tư và sản xuất phù hợp sẽ đem lại lợi ích kinh tế lớn trong sản xuất nông nghiệp.

 

Ông Nguyễn Mạnh Quỳnh, Phó Chủ tịch Hội SVC Việt Nam cho rằng: Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nhiều loại cây trồng nông nghiệp, nghề trồng hoa và cây cảnh có những bước phát triển vượt bậc cả về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, đã giải quyết công ăn việc làm cho nhiều gia đình, đóng góp không nhỏ vào GDP của ngành nông nghiệp, bước đầu tham gia xuất khẩu, từ đó đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng và xây dựng nông thôn mới. Do đó, phát triển kinh tế nông nghiệp dựa trên tiềm năng, thế mạnh hoa, cây cảnh không chỉ là mục đích, giải pháp chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển nông nghiệp xanh, nâng cao giá trị,... mà còn là những định hướng, giải pháp quan trọng nhằm tiếp tục đổi mới nhận thức, đổi mới phương thức hoạt động của Hội SVC Việt Nam, đồng thời đây là định hướng, giải pháp hoạt động đối với các cấp Hội SVC.

 

PGS. TS. Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, Trưởng ban hoa và cây cảnh - Hội SVC VN chia sẻ: Hoa, cây cảnh được đánh giá là một trong những ngành hàng quan trọng góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành trồng trọt. Đây là lĩnh vực sản xuất mang lại giá trị cao gấp nhiều lần so với các loại cây trồng khác trong cùng điều kiện canh tác. Việt Nam hoàn toàn có thể đủ điều kiện để phát triển sản xuất hoa, cây cảnh. Tuy nhiên, để phát triển sản xuất xuất khẩu chúng ta cần một loạt các giải pháp về quy hoạch các vùng, cơ chế chính sách...

leftcenterrightdel
Quang cảnh buổi Hội thảo 

 

Ông Doãn Văn Chiến, Trưởng Văn phòng Thường trực tại Nam Bộ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, định hướng phát triển ngành nghề nông nghiệp và công tác khuyến nông giai đoạn 2025-2030 là phát triển ngành nghề nông thôn nhằm phát huy tiềm năng của khu vực nông thôn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân; góp phần bảo vệ môi trường, tôn tạo, giữ gìn cảnh quan, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc; phát triển kinh tế nông thôn gắn với mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh.

 

Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Chủ tịch Hội SVC Việt Nam, Chủ tịch Hội Ngành nghề Nông nghiệp Thành TP.HCM phát biểu: TP.HCM là đô thị đặc biệt, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ,… Do đó, tốc độ đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, vì vậy ngành nông nghiệp Thành phố xác định phát triển nông nghiệp đô thị là xu thế tất yếu, trong đó thúc đẩy, hỗ trợ phát triển giống và tổ chức sản xuất sản phẩm hoa, cây cảnh là một trong những nhiệm vụ được ngành nông nghiệp Thành phố tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển giống cây, con và nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021 - 2025 và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phù hợp với nền nông nghiệp đô thị. Để góp phần thực hiện mục tiêu đó, Hội đã đề xuất với ngành nông nghiệp và Ủy ban nhân dân Thành phố tạo điều kiện xây dựng Công viên Sinh vật cảnh tại Thành phố với quy hoạch cụ thể và hoạt động trên cơ sở xã hội hóa từ các thành viên Hội, để tạo hội viên đam mê SVC có sân chơi, cùng nhau phát triển hoạt động SVC của Thành phố ngày càng phù hợp với nhu cầu thị trường SVC nói riêng và ngành hoa, cây cảnh nói chung.

 

Ngoài những nhận định như trên các chuyên gia còn đưa ra các nhận định để phát triển kinh tế nông nghiệp dựa trên tiềm năng phát triển, hoa cây cảnh và đó cũng là những giải pháp cần thực hiện như:

 

Tăng tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường vào sản xuất. Kết hợp phương pháp sản xuất truyền thống và hiện đại nhằm bảo tồn, phát huy các sản phẩm đặc trưng vùng, miền, địa phương.

 

Cải tiến quy trình sản xuất theo chuỗi, đảm bảo dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và hướng tới xuất khẩu. Hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn được cấp chứng chỉ bền vững gắn với các nhà máy sơ chế, chế biến, sản xuất các sản phẩm ngành nghề nông thôn, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Hình thành các điểm sơ chế, chế biến các nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn…

 

Mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và hướng tới xuất khẩu. Ngoài ra cũng cần tăng cường kết nối tiêu thụ sản phẩm với các đô thị lớn; đa dạng hoá các loại hình dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng ngày càng cao; xây dựng các chương trình du lịch nông thôn, du lịch làng nghề để xuất khẩu tại chỗ các sản phẩm ngành nghề nông thôn. Đối với thị trường xuất khẩu cần đa dạng hoá các sản phẩm xuất khẩu vào các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc…; mở rộng sang các thị trường tiềm năng khu vực Trung Đông, Mỹ La tinh, châu Phi. Một ví dụ cụ thể là thương hiệu “Dalat Hasfarm” đang được biết đến là đơn vị cung cấp hoa tươi chất lượng cao hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á.

 

Bên cạnh đó, cần tập trung các giải pháp về quy hoạch vùng sản xuất gắn với quy hoạch bố trí nhóm sản phẩm chủ lực, đảm bảo duy trì diện tích sản xuất hoa, cây kiểng; xây dựng vùng sản xuất hoa, cây kiểng tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống giao thông thuận lợi phục vụ sản xuất, vận chuyển, kinh doanh.

 

Phát triển đa dạng chủng loại, tập trung các giống hoa, cây kiểng mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện sản xuất, thị hiếu tiêu dùng và thị trường tiêu thụ Thành phố. Xây dựng và hướng dẫn người sản xuất các quy trình trồng và chăm sóc phù hợp với từng giống hoa, cây kiểng. Hỗ trợ, chuyển giao các giống hoa, cây kiểng mới có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện sản xuất và thị trường tiêu thụ,…

Minh Hiếu

Trung tâm Khuyến nông TP Hồ Chí Minh