Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống của nông dân luôn được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm. Bám sát các chủ trương lớn của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, chỉ đạo nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư phát triển lĩnh vực này; theo đó, trong những năm qua, ngành ngân hàng luôn xác định “tam nông” là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn tín dụng và đã có nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để tăng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng đối với lĩnh vực này. Có thể nói, tín dụng ngân hàng là một trong những nguồn vốn quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, với dư nợ đến nay đạt trên 3,28 triệu tỷ đồng, chiếm gần 25% dư nợ nền kinh tế. 

Để tiếp tục phát huy vai trò của tín dụng ngân hàng đối với “tam nông” gắn với xu hướng chuyển đổi chiến lược của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững theo đúng chủ trương, định hướng, chính sách, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, (gần đây nhất là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2023), ngày 05/4/2024 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức buổi làm việc và ký kết Chương trình phối hợp công tác nhằm mục đích tăng cường công tác phối hợp và tổ chức triển khai có hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tín dụng và hoạt động ngân hàng góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh buổi lễ ký kết 

Tại Lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ghi nhận và đánh giá cao sự hỗ trợ của ngành ngân hàng đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn vừa qua. Bộ trưởng mong muốn, trong thời gian tới, sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa hai ngành trong tổ chức triển khai có hiệu quả các chính sách, chương trình, giải pháp hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Từ đó, có thể hỗ trợ người nông dân – đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội có thể tiếp cận đồng vốn ngân hàng một cách thuận lợi, lãi suất ưu đãi, bên cạnh đó, cũng đặt ra yêu cầu người nông dân phải sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả, an toàn.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu 

Tại buổi lễ, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã trình bày nội dung Quy chế phối hợp thực hiện chương trình công tác giữa hai cơ quan. Theo đó, Quy chế phối hợp tập trung vào các nhóm vấn đề chính sau:

Thứ nhất, phối hợp rà soát hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng và hoạt động ngân hàng hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn; triển khai các chương trình tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện cho khách hàng thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trong tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Thứ hai, tăng cường phối hợp, trao đổi công tác trong tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết, Chương trình, Đề án, Kế hoạch của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Thứ ba, phối hợp trong công tác truyền thông, thông tin, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đặc biệt tại khu vực nông thôn

Thứ tư, tăng cường phối hợp trao đổi thông tin, đào tạo, kết nối ngân hàng với các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phòng nông nghiệp huyện; khuyến nông và khuyến nông công đồng; các trung tâm, viện, trường đào tạo trên địa bàn) nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả công tác trong thực thi nhiệm vụ.

Thứ năm, hình thành cơ chế phối hợp liên ngành từ Trung ương đến các địa phương nhằm triển khai các nội dung của Chương trình phối hợp công tác đến các đơn vị trực thuộc trong toàn hệ thống của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Đại diện lãnh đạo ký kết Quy chế phối hợp thực hiện chương trình công tác giữa hai cơ quan 

BBT