Đây là mô hình được thực hiện trong 3 năm 2011-2013 thuộc Dự án khuyến nông trung ương của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì với mục tiêu là xây dựng mô hình tổ hợp tác nhằm thay đổi tập quán canh tác, sản xuất muối từ cá thể sang phương thức tổ hợp tác theo nhóm hộ sản xuất, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tạo điều kiện cho việc quy hoạch, kiến thiết đồng ruộng, tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp các cánh đồng muối thủ công hiện có.

Mô hình đã chuyển giao quy trình, công nghệ sản xuất muối theo phương pháp mới cho diêm dân là:Đưa công nghệ chuyển đổi vị trí chạt lọc truyền thống từ sát ô kết tinh hiện nay ra giữa ruộng phơi cát; Dùng ống nhựa dẫn nước muối đã được cô đặc từ vị trí chạt lọc về thùng lắng lắng lọc sát ô kết tinh để dễ phơi muối; Trải bạt HDPE dày 0.5 mm trên ô kết tinh.

Qua kiểm tra thực tế và ý kiến của các cán bộ kỹ thuật, nông dân tham gia mô hình cho thấy phương pháp sản xuất mới có nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp sản xuất truyền thống như sau:

+ Ô kết tinh truyền thống được làm bằng vật liệu vôi, tro bếp và sò biển, độ bền 1-2 năm, năng suất vừa phải. Sau vụ sản xuất thời tiết xấu thường mặt ô bị bong tróc, nứt. Do chất liệu và chất lượng mặt ô nên khi phơi nước mặn thường bị thẩm thấu xuống nền làm thất thoát nước. Những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc do việc căn lượng nước phơi không đủ thường làm cho hạt muối bị cháy vàng dẫn đến giảm năng suất và sản lượng muối.

+ Đối với ô kết tinh được trải bạt: Lượng nước lọc ở mỗi ô tăng hơn do độ cao bờ lớn hơn; không thất thoát nước mặn; bạt đen hấp thu nhiệt tốt hơn làm nước bay hơi mạnh hơn, muối kết tinh nhanh hơn; nếu thời tiết tốt, nhiệt độ trung bình 25-30oC thì ô trải bạt vẫn đông kết muối bằng nền nhiệt 35-37oC của ô kết tinh cũ. Khi kết tinh mặt ô không cạn hẳn mà có nước cốt đọng lại, kể cả khi trời nắng nhiệt độ cao, hạt muối kết tinh to, đều, trắng.

Ngoài ra, việc tổ chức sản xuất theo mô hình tổ hợp tác đã làm thay đổi tập quán canh tác, phát huy được tính cộng đồng của diêm dân hỗ trợ nhau trong sản xuất, bảo vệ và tiêu thụ sản phẩm. Thực hiện theo phương pháp sản xuất mới không phải vận chuyển đất đến sân phơi, do vậy trẻ em hoặc người lớn tuổi cũng có thể làm được.

Được sự quan tâm, ủng hộ và tham gia của bà con diêm dân, bước đầu mô hình đã đạt kết quả và hiệu quả. Năng suất muối của ô kết tinh trải bạt cao gấp 1,5 lần so với ô kết tinh không trải bạt. HTX Vạn Nam đã thành lập được 01 tổ hợp tác với số lượng 25 thành viên tham gia xây dựng mô hình sản xuất muối sạch với 500 m2 sân kết tinh muối; 25 nhăng đựng nước; 50 chạt lọc; 50 thùng lắng lọc, 25 ô nề được trải 500 m2 bạt HDPE dầy 0,5 mm.

Giám đốc Phan Huy Thông thăm hỏi bà con diêm dân sản xuất muối

Đây là những thành công ban đầu đáng khích lệ của mô hình. Tuy nhiên vẫn còn một số băn khoăn trăn trở của bà con diêm dân như: Chi phí trải bạt ban đầu khá cao trong khi diêm dân không tiếp cận được các nguồn vốn từ các ngân hàng do không có tín chấp, sản phẩm “muối sạch” làm ra giá thành vẫn ngang bằng giá muối thường do sản lượng chưa nhiều, chưa tiếp cận được với thị trường tiêu thụ.

Đoàn công tác đã ghi nhận những kết quả đạt được của mô hình, đặc biệt là công tác chỉ đạo, triển khai mô hình sản xuất muối của Trung tâm khuyến nông, khuyến ngư tỉnh Nghệ An để mô hình thành công và những khó khăn, trăn trở của bà con nông dân xã Diễn Vạn. Để mô hình sản xuất muối hiệu quả bền vững, Đoàn công tác đề nghị: trên cơ sở những thành công bước đầu, những năm tiếp theo Trung tâm khuyến nông khuyến ngư Nghệ An cần nhân rộng mô hình sản xuất muối ở những địa phương khác trong tỉnh Nghệ An; đồng thời chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước cần vào cuộc để giúp diêm dân từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần tăng thu nhập và xoá đói giảm nghèo.

Bá Tiến - TTKNQG