Hướng dẫn nông dân thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng

Ông Trần Minh Tuấn – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, với gần 4.200 ha trồng sắn, sản lượng bình quân hàng năm hơn 67.000 tấn sắn củ tươi, mang lại doanh thu mỗi năm trên 70 tỉ đồng, cây sắn đang được xem là cây xóa đói giảm nghèo của huyện Hướng Hóa. Nhờ trồng sắn, nhiều hộ dân người Vân Kiều, Pa Kô đã thoát khỏi nghèo khó. Tuy nhiên, hiện nay đang nổi lên một thực trạng là nông dân trồng sắn ở các địa phương này sử dụng một lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật mà chủ yếu là thuốc trừ cỏ khai hoang để diệt cỏ trên đất trồng sắn. Do chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vấn đề an toàn khi sử dụng, nên tình trạng người dân sử dụng thuốc tràn lan như tăng nồng độ thuốc, sử dụng quá liều lượng... đặc biệt là súc rửa bình sau phun thuốc, vứt bỏ bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật không theo quy định, nhất là ngay trên các dòng nước đầu nguồn, làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của dân cư sống vùng hạ lưu. 

Nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về những nguy hại do sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ra, thông qua các lớp tập huấn, cán bộ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã cung cấp cho người dân các kiến thức cơ bản về thuốc bảo vệ thực vật như: Cách sử dụng; đặc điểm của một số thuốc bảo vệ thực vật thông dụng sử dụng trong sản xuất nông nghiệp; 4 đúng trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng, nồng độ và đúng cách); những dấu hiệu ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật và các biện pháp sơ cứu; một số quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; đồng thời xây dựng bể thu gom mẫu và hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng… nhằm góp phần giảm thiểu những rủi ro do thuốc bảo vệ thực vật gây ra cho con người và môt trường sinh thái.

Thục Quyên