Tây Ninh đã và đang hướng tới phát triển nông nghiệp hiện đại và bền vững trong tương lai. Vì thế các mô hình, phương pháp canh tác nông nghiệp đem lại hiệu quả kinh tế cũng như giảm thiểu các vấn đề gây hại đến môi trường và sức khỏe đều rất được quan tâm. Tuy nhiên, phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Tây Ninh còn những khó khăn, thách thức. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng thông qua việc học hỏi, tham khảo từ các mô hình mới, đạt hiệu quả cao của các tỉnh, thành khác cho cán bộ và nông dân trong tỉnh rất cần thiết. Các cán bộ Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đánh giá Lâm Đồng từ lâu đã nổi tiếng trong việc tìm kiếm, xây dựng và phát triển những phương pháp sản xuất mới cũng như có nhiều thành tựu trong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Vì vậy, ngày 14-15/3/2024, Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh đã tổ chức đoàn học tập kinh nghiệm tại tỉnh Lâm Đồng nhằm học hỏi trực tiếp một số mô hình tại đây. Đoàn gồm 29 người, trong đó có sự tham gia của ông Nguyễn Văn Mấy – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; Ông Hà Thanh Tùng – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cùng một số cán bộ và nông dân sản xuất giỏi trên địa bàn tỉnh.

Đoàn đã đến thăm 02 mô hình tiêu biểu của tỉnh Lâm Đồng và có thể ứng dụng tại Tây Ninh là mô hình sử dụng thiên địch trong canh tác cây trồng của Công ty TNHH Mai Khôi Farm và mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Công ty Đà Lạt GAP huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Công ty TNHH Mai Khôi Farm huyện Lạc Dương hiện có trang trại sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ước chừng 30 ha với hàng chục ha canh tác nhà kính; trong đó chủ yếu là trồng các loại ớt chuông, hoa đồng tiền, cà chua bi… Mô hình áp dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP và sẽ cố gắng nâng chuẩn GlobalGAP trong thời gian tới.

Anh Nguyễn Văn Minh Tú – Giám đốc Công ty Mai Khôi cho biết thêm: Năm 2018 công ty bắt đầu nghiên cứu và phát triển mô hình nuôi thiên địch với các loại côn trùng và nấm có ích để ứng dụng vào trong sản xuất hoa, rau, củ. Thông qua đó có thể phòng và kiểm soát sâu bệnh, giảm thiểu việc sử dụng hóa chất từ đó mang đến sản phẩm sạch, an toàn nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe người tiêu dùng.

Trong lúc làm việc cùng đoàn, anh Tú đã giải đáp một số câu hỏi liên quan đến quá trình canh tác nông nghiệp thay thế thuốc bảo vệ thực vật bằng sử dụng thiên địch. Anh Tú nhấn mạnh, tuy chi phí dùng thiên địch trong phòng trị bệnh cao hơn so với chi phí dùng thuốc bảo vệ thực vật, nhưng thời gian cho trái của cây sẽ dài hơn, sản phẩm ngon hơn, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật từ đó sản phẩm sẽ dễ tiêu thụ và có giá bán tốt hơn so với thị trường.

leftcenterrightdel

Ông Nguyễn Văn Mấy – PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh đang trao đổi thông tin về mô hình nuôi thiên địch

Tại Công ty Đà Lạt GAP ở huyện Lạc Dương - một trong những đơn vị đi đầu trong việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và đã đạt chuẩn Global Gap, đoàn đã được giới thiệu về các kỹ thuật canh tác mà công ty đang áp dụng. Đó là kỹ thuật trồng rau trên giá thể, sử dụng hệ thống bón phân, tưới nước được cài tự động, hệ thống vườn ươm chuyên sản xuất giống cây trồng theo công nghệ Châu Âu. Sản phẩm rau, quả của công ty đa dạng, phong phú bao gồm các loại: xà lách các loại, cải bắp, cà tím, rau gia vị... Theo ông Lê Văn Cường – giám đốc công ty TNHH Đà Lạt GAP sản phẩm rau, củ, quả của công ty Đà Lạt GAP đem lại sức khỏe cho người tiêu dùng; đóng góp vào sự phong phú về chủng loại rau, quả của Lâm Đồng và góp phần xây dựng uy tín cho rau Đà Lạt.

Qua chuyến học tập kinh nghiệm ở tỉnh Lâm Đồng, các thành viên trong đoàn đã học hỏi và có thêm nhiều kiến thức, kinh nghiệm thực tế về việc ứng dụng thiên địch và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Từ đó có thể lựa chọn, áp dụng vào các mô hình phù hợp trên địa bàn tỉnh, mang lại các sản phẩm đảm bảo chất lượng, bảo vệ môi trường, sức khoẻ người tiêu dùng cũng như nâng cao phát triển kinh tế gia đình, hướng tới nông nghiệp bền vững trong tương lai.

leftcenterrightdel
 Ông Hà Thanh Tùng – Giám đốc TTKN Tây Ninh trao đổi với ông Lê Văn Cường – Giám đốc Công ty Đà Lạt GAP

Phạm Quốc Huy

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh