Trong 20 năm qua, nhờ sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự phối hợp chặt chẽ giữa Trung tâm Khuyến nông với các đơn vị trong và ngoài ngành nông nghiệp, với các địa phương, sự phấn đấu vươn lên của bà con nông ngư dân nên ngành thủy sản đã có những chuyển biến vượt bậc. Từ những mô hình nuôi quảng canh ban đầu, lệ thuộc hoàn toàn vào con giống tự nhiên, lợi dụng nguồn thức ăn có sẵn trong ao, sau một thời gian thả giống thì tiến hành thu hoạch, đến nay nhận thức của người dân đã có nhiều thay đổi lớn. Người dân đã được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất giúp đạt năng suất và hiệu quả kinh tế cao. Đồng hành với sự phát triển đó là vai trò rất lớn của hoạt động khuyến nông trên lĩnh vực thủy sản. Hoạt động khuyến nông trên lĩnh vực thủy sản trong 20 năm qua có thể chia thành 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Từ năm 1993 trở về trước, trên địa bàn tỉnh chưa có hoạt động khuyến ngư. Các hoạt động sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh do dân tự phát, chủ yếu là khai thác thủy sản với các nghề khai thác ven bờ như lưới kéo đơn, vây ánh sáng (lưới đèn). Nuôi thủy sản kém phát triển chủ yếu là nuôi VAC theo qui mô nhỏ, kỹ thuật nuôi dựa vào kinh nghiệm là chính, đối tượng nuôi là các loài cá bản địa như cá mè, trôi, cá rô phi đen, cá tra. Sản xuất cá giống chưa phát triển chủ yếu là vớt cá bột sau lũ để ương nuôi.
Giai đoạn 2: Từ năm 1994 – 1998, Trung tâm Khuyến nông tỉnh được thành lập. Đây là bước khởi đầu giúp người dân làm quen với các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất thủy sản, mức độ đầu tư kinh phí cho hoạt động này chưa nhiều, chủ yếu hướng dẫn người dân nuôi thủy sản theo đúng qui trình kỹ thuật, theo từng mô hình và vùng sinh thái, chủng loại thủy sản chưa phong phú; thị trường xuất khẩu chưa được mở rộng chủ yếu là tiêu thụ nội địa; các mô hình nuôi thâm canh chưa phát triển; nguồn giống thủy sản chưa được chủ động. Đồng thời cũng từng bước nghiên cứu kỹ thuật nuôi và cho sinh sản nhân tạo một số đối tượng mới ngoài các loài cá bản địa.
Giai đoạn 3: Từ năm 1999 – 2007, Trung tâm Khuyến ngư tỉnh được thành lập. Từ đây phong trào sản xuất thủy sản ở địa phương phát triển mạnh, kinh phí đầu tư được đáp ứng kịp thời, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được đưa vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong giai đoạn này, sản xuất giống thủy sản cũng phát triển mạnh. Các vùng nuôi thủy sản tập trung được qui hoạch và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi được triển khai. Kỹ thuật và kinh nghiệm nuôi thủy sản của người dân được nâng cao thông qua công tác khuyến ngư hàng năm, nhiều đối tượng và mô hình mới được nhân dân ứng dụng sản xuất đạt hiệu quả cao. Khai thác thủy sản xa bờ ngày càng phát triển, công suất máy và số lượng tàu thuyền khai thác xa bờ hàng năm đều tăng với các loại nghề chủ lực là lưới kéo đơn, lưới vây kết hợp ánh sáng và câu mực. Nếu trước đây các tàu chỉ khai thác ven bờ ở độ sâu dưới 30m nước thì ngày nay các tàu đã vươn khơi hàng trăm hải lý khai thác đến độ sâu 70 – 120m nước ở toàn vùng biển Đông và Tây Nam Bộ.
Giai đoạn 4: Từ năm 2008 đến nay, Trung tâm Khuyến nông được thành lập, giai đoạn này nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được chuyển giao cho nông dân ứng dụng đạt hiệu quả mang tính bền vững như nuôi thủy sản an toàn sinh học, VietGAP, GlobalGAP,. Lĩnh vực khai thác thủy sản tập trung chuyển sang khai thác thủy sản xa bờ, công suất máy và số lượng tàu thuyền khai thác xa bờ hàng năm đều tăng với các loại nghề chủ lực là lưới kéo đơn, lưới vây kết hợp ánh sáng, lưới rê cá dưa, câu mực, sử dụng đèn tiết kiệm điện.
Từ những mốc thời gian trên cho thấy, trong những năm qua nông dân Tiền Giang đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhằm xóa bỏ dần tập quán sản xuất cũ đơn lẻ, manh mún. Đó là sự chuyển mình đi lên trong hoạt động khuyến nông trên lĩnh vực thủy sản, với kết quả đạt được như sau:
Nuôi trồng thủy sản: Nhìn chung, diện tích và sản lượng nuôi thủy sản của tỉnh liên tục tăng qua các năm phù hợp với chủ trương chung của ngành. Các đối tượng nuôi chính là tôm sú, tôm thẻ, nghêu, cá kèo, cá tra, điêu hồng, tai tượng, rô đồng, sặc rằn, ếch..., trong đó nổi bật là nuôi cá tra cung cấp nguyên liệu cho xuất khẩu. Từ kết quả trên thấy được khuyến ngư có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế thủy sản của tỉnh, giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đúng hướng, xây dựng nhiều mô hình sản xuất thủy sản mang lại hiệu quả cao giúp người dân thoát nghèo và tận dụng điều kiện sẵn có ở gia đình để phát triển kinh tế thủy sản. Bên cạnh đó, phong trào sản xuất và ương nuôi cá giống trên địa bàn tỉnh cũng phát triển mạnh với nhiều loài khác nhau. Ngoài ra các vùng dự án nuôi tôm sú công nghiệp đã được xây dựng như Dự án Nam Gò Công, Dự án Bắc Gò Công và khu Dự án Cồn Cống đã thúc đẩy phong trào nuôi thủy sản trong vùng phát triển.
Khai thác thủy sản: Sản lượng có tăng qua các năm nhưng sản lượng khai thác trên đơn vị công suất máy lại có hướng giảm dần do nhiều nguyên nhân: trữ lượng thủy sản ở các ngư trường ngày càng giảm, chi phí đầu vào phục vụ khai thác ngày càng tăng nhưng giá sản phẩm đầu ra tăng chậm nên mức lợi nhuận chưa hấp dẫn người dân đầu tư vào lĩnh vực khai thác. Tuy nhiên với truyền thống yêu ngành nghề, quyết tâm vượt qua khó khăn, nhiều phương tiện đã được đầu tư, cải hoán đổi mới nâng công suất các thiết bị máy móc đưa phương tiện đi khai thác xa bờ và cũng không ít ngư dân giàu lên từ lĩnh vực này. Trong lực lượng tàu khai thác xa bờ có những tàu hành nghề rất hiệu quả và ngược lại cũng có những tàu kém hiệu quả. Đa phần các tàu khai thác kém hiệu quả đều thuộc trường hợp khai thác đơn lẻ và ngược lại phần lớn các tàu khai thác đạt hiệu quả cao đều thuộc các tập đoàn khai thác của các chủ tàu có nhiều vốn, có đầu tư các tiến bộ khoa học kỹ thuật.
Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật thông qua các cuộc tập huấn-hội thảo, tham quan, mô hình trình diễn, dạy nghề. Từ đó nông dân có dịp trao đổi học tập kinh nghiệm sản xuất, cập nhật những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới kịp thời. Do vậy nông dân đã mạnh dạn xây dựng các mô hình nuôi thủy đặc sản đồng thời nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, nên phong trào nuôi thủy sản phát triển ổn định, bền vững, giữ vững môi trường nuôi, vùng nuôi, hạn chế tối đa rủi ro trong sản xuất.
Các đề tài khoa học, dự án, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cũng được triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao như: Đề tài nuôi tôm sú công nghiệp theo mô hình ít thay nước (năm 2000); Nuôi tôm càng xanh theo hình thức đăng quầng ở huyện Cai Lậy và Cái Bè (năm 2001); Nuôi tôm càng xanh bán công nghiệp ở huyện Cai Lậy và Châu Thành (năm 2001); Thực hiện Dự án chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá rô đồng cho 10 tỉnh (năm 2002 - 2003); Dự án chuyển đổi nghề khai thác cho tàu đánh bắt xa bờ. Đề tài sản xuất giống nhân tạo cá thát lát (năm 2006 - 2007); Đề tài nuôi cá bống tượng từ nguồn giống nhân tạo trong ao nước tĩnh vùng Gò Công (năm 2007 - 2008)... Qua các đề tài, dự án đã hỗ trợ cho ngành nông nghiệp và nông dân phát triển nuôi thủy hải sản có hiệu quả, trong công việc bố trí vùng nuôi, vụ nuôi hợp lý cho tiêu thụ sản phẩm, áp dụng kỹ thuật mới, ngăn ngừa dịch bệnh, giảm giá thành đầu tư, tăng lợi nhuận cho nông dân.
Chương trình Giống thủy sản: Bên cạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật về thủy sản cho người dân, đơn vị cũng luôn nghiên cứu tìm một số loài thủy sản mới, có giá trị và phù hợp với thuỷ vực ở địa phương để cung cấp cho người nuôi nhằm đa dạng hoá giống loài thủy sản ở địa phương. Cụ thể trong năm 2002: nhập và cung cấp 250.000 con giống và 4.000.000 con bột cá chim trắng để cung ứng cho người nuôi, nhận 23.000 con cá rô phi dòng GIFT từ Trường ĐH Nông Lâm TPHCM và Viện NCNTTS II, nhận 30.000 con cá chài, cá ét mọi, cá mè hôi từ Dự án cá bản địa để phát tán cho nông dân nuôi thử nghiệm. Năm 2003 nhận 150.000 con cá rô phi dòng GIFT để phát tán cho nông dân tiếp tục nuôi và nhân giống. Trong năm 2004 thực hiện tiếp nhận chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá rô phi đơn tính từ Trường ĐH Nông lâm tại Trại giống Chợ Gạo. Năm 2005 – 2006 thực hiện chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá rô đồng cho 10 tỉnh phía Bắc và 12 tỉnh phía Nam. Năm 2006 – 2007 thực hiện đề tài nghiên cứu sinh sản nhân tạo cá thát lát. Năm 2008-2009 thực hiện đề tài nghiên cứu sinh sản nhân tạo lươn đồng. Ngoài ra mỗi năm Trung tâm tổ chức khoảng 20 – 25 cuộc tập huấn – hội thảo về kỹ thuật sản xuất giống thủy sản các loại cho người dân từng bước xã hội hóa công tác sản xuất giống thủy sản ở địa phương.
Hàng năm đơn vị cũng đã phối hợp tốt với TT Khuyến Nông Quốc gia, Phòng Nông nghiệp, Phòng Kinh tế các huyện, Thành - Thị trong tỉnh để triển khai tốt công tác khuyến nông đến tận người dân. Xây dựng kế hoạch liên tịch với các Ban ngành Đoàn thể của tỉnh như Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp TNVN, Hội Phụ Nữ, Hội Nông dân để cùng phối hợp thực hiện công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đặc biệt, công tác phối hợp với báo, đài ở Trung ương và địa phương được quan tâm và mang lại hiệu quả cao như xây dựng phóng sự, tọa đàm, tham gia giải đáp thắc mắc trong chương trình chuyện nhà nông và tham gia viết các bản tin, bài kỹ thuật về thủy sản để phổ biến kinh nghiệm và kỹ thuật cho người dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khuyến nông trên lĩnh vực thủy sản còn gặp không ít khó khăn và hạn chế cần khắc phục như:
- Mô hình trình diễn chưa tập trung cho người nghèo, trong thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tới các nông dân nghèo nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân.
- Trước nay mô hình chỉ thu hút sự tham gia của những hộ nông dân khá giả, do vậy khó nhân rộng. Vì thế cần chọn người tham gia, đối tượng nuôi phù hợp cho từng vùng để có khả năng nhân rộng cao.
- Phong trào nuôi thủy sản phát triển nhanh nhưng giá sản phẩm đầu ra luôn biến động nên chưa thực sự hấp dẫn nhiều người nuôi.
- Thời gian qua, công tác khuyến nông chỉ tập trung xây dựng các mô hình nuôi thủy sản. Mô hình cho khai thác còn hạn chế. Vì vậy, trong thời gian tới, cần tập trung cho khai thác hải sản; sử dụng các phương pháp và công nghệ thích hợp nhằm đẩy mạnh việc chuyển dịch nghề khai thác xa bờ; áp dụng phương pháp khai thác tiên tiến kết hợp giữa khai thác, bảo vệ nguồn lợi và bảo vệ vùng biển Việt Nam.
- Chi phí nguyên - nhiên liệu cho khai thác thủy sản tăng cao nhưng giá sản phẩm sau khai thác lại thấp ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của chuyến biển. Vấn đề an ninh trên vùng biển khi đi khai thác cũng gây ảnh hưởng lớn đến tâm lý của chủ tàu và ngư dân khi hoạt động trên biển.
- Cần tranh thủ nhiều hơn nữa sự tham gia tích cực của các Viện, Trường trong việc xây dựng, chuyển giao mô hình trình diễn thủy sản.
- Cần đa dạng hóa các phương pháp khuyến nông nhất là phương pháp khuyến nông thông qua kênh phát thanh truyền hình để chuyển tải khoa học kỹ thuật đến được với nhiều người dân hơn.
- Tiếp tục đẩy mạnh mô hình nuôi các đối tượng có tiềm năng và thế mạnh của tỉnh như cá tra, tôm, nghêu và xây dựng mô hình nuôi các loài thủy đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá lóc, rô đồng, sặc rằn, tai tượng, bống tượng… đạt tiểu chuẩn chất lượng VietGAP, Global GAP, SQF để phục vụ nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu. Đồng thời nuôi phải gắn với việc bảo vệ môi trường và tiêu thụ sản phẩm.
- Cần tổ chức đi tham quan học tập kinh nghiệm ở các nước có nghề sản xuất thủy sản phát triển mạnh.
- Phát triển nuôi thủy sản theo hướng bền vững (ứng dụng công nghệ sinh học, nuôi có chứng nhận, VietGAP, SQF, GlobalGAP), nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm phù hợp yêu cầu thị trường và đảm bảo an ninh thực phẩm quốc gia, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Nguyễn Thị Phương Dung
Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang