Để phát huy hơn nữa hiệu quả kinh tế của mô hình đưa cây màu xuống chân ruộng, phá thế độc canh cây lúa, huyện Châu Thành chuyển giao khoa học kỹ thuật thâm canh, phổ cập các qui trình canh tác tiên tiến như IPM trên rau, ba giảm ba tăng, trồng rau màu an toàn... cho nông dân nhằm giúp tăng năng suất, sản lượng và chất lượng cây màu. Trên cơ sở qui hoạch chung, địa phương đã hình thành những vùng chuyên canh màu lớn như rau diếp cá ở Nhị Bình, Điềm Hy; rau má ở Tam Hiệp, Thân Cửu Nghĩa; rau mùi tàu ở Phú Kiết; rau ăn lá khu vực Thạnh Phú, Bình Đức, Long Hưng...tiến tới hình thành các tổ hợp tác và hợp tác xã nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản một cách ổn định.

Châu Thành có lợi thế mạng lưới giao thông thủy bộ thuận tiện, là địa bàn trung chuyển giữa các tỉnh Tây Nam bộ với Tp. Hồ Chí Minh, Đông Nam bộ nên từ chỗ là cây trồng phụ dần dần rau màu vươn lên vị trí là một trong những cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Nhiều xã ven Đồng Tháp Mười thuần nông trước đây của Châu Thành như Tam Hiệp, Thân Cửu Nghĩa, Tân Hương ngày nay nổi tiếng với những cánh đồng trồng chuyên canh màu bạt ngàn, nông dân khấm khá, nông thôn khởi sắc.

Hàng năm, huyện Châu Thành đạt sản lượng rau màu các loại cung ứng cho thị trường các tỉnh phía Nam lên đến gần 160.000 tấn. Vào những thời điểm mùa khô hạn hoặc lũ lụt nhiều nơi không sản xuất được, nông dân Châu Thành thường trúng giá màu trái vụ với thu nhập rất cao.

MT