Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết, ngay sau khi thành lập, liên tục từ ngày 31/7 đến ngày 12/8, Tổ công tác 3430 đã lập tức triển khai làm việc trực tuyến với các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, có nhiều chuyến khảo sát thực tế… để nắm bắt tình hình, kịp thời có phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xây dựng các kịch bản cụ thể và tổ chức thực hiện kết nối tiêu thụ nông sản.

Đại diện các Cục phát biểu ý kiến tại cuộc họp
Tại cuộc họp, ý kiến của các đại biểu đại diện Cục Thú y, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chăn nuôi, Cục Kinh tế Hợp tác đều cho rằng, mặc dù dịch Covid- 19 khiến sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhưng các lĩnh vực đều bám sát sản xuất, ruộng đồng, đồng hành cùng bà con nông dân để đảm bảo đủ an ninh lương thực trong nước và đạt mục tiêu xuất khẩu.

 

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng: Thời gian qua, hệ thống khuyến nông cả nước không chỉ đồng hành cùng bà con trực tiếp sản xuất mà còn giúp bà con trong khâu thu hoạch và kết nối tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là tại các vùng, các địa phương bị phong tỏa. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục hướng dẫn bà con triển khai, chuyển đổi mô hình sản xuất có hiệu quả; tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu cho thương mại điện tử và phối hợp với các đơn vị để xuất bản tài liệu hướng dẫn sản xuất trong vùng dịch.

Đặc biệt, tại buổi họp, Tổ công tác đã giới thiệu Hệ thống kết nối cung ứng nông sản. Hệ thống này sẽ cập nhật dữ liệu về điểm bán hàng, đơn vị cung cấp, đơn vị thu mua, nhu cầu hàng hóa nông sản… của 31 tỉnh/thành phía Bắc - từ Thừa Thiên Huế trở ra. Hệ thống được hoàn thiện với nguồn dữ liệu chính xác sẽ giúp kết nối tổng thể cung - cầu nông sản cho các tỉnh phía Bắc. Đây cũng sẽ được coi là công cụ điều hành, là cơ sở để làm nông nghiệp số.

Trên cơ sở những việc đã làm được, và những khó khăn còn tồn tại, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã nêu ra các giải pháp, định hướng hoạt động cho Tổ công tác 3430 trong thời gian tới.

Các đơn vị thuộc Bộ, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh phải liên tục cập nhật tình hình về cung ứng nông sản, cả về tổng cung lẫn tổng cầu.

Phải đảm bảo các điều kiện về giống, vật tư nông nghiệp đáp ứng mùa vụ sản xuất.

Các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản phải đảm bảo 3 tại chỗ để tiếp tục sản xuất.

Kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về việc giảm tiền điện, hỗ trợ lãi suất, bảo hiểm nông nghiệp cho các cơ sở sản xuất.

Để đảm bảo chuỗi cung ứng, phải tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa nông sản các tỉnh phía Bắc để giảm áp lực mùa vụ, cũng là giảm áp lực cho người tiêu dùng.

Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, đặc biệt là đối với những nông sản đã được ký kết.

Xây dựng và củng cố các chuỗi sản xuất. Các doanh nghiệp, các hợp tác xã phải liên kết lại để hình thành các chuỗi sản xuất- cung ứng trong nước và chuỗi quốc tế.

Cần rà soát, kiểm tra mô hình "3 tại chỗ" tại các địa phương, đảm bảo đáp ứng các điều điều kiện về y tế để sản xuất an toàn.

Liên tục cập nhật tình hình về cung ứng nông sản, cả về tổng cung lẫn tổng cầu

 

Việt Oanh

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia