Tọa đàm kỹ thuật và chính sách về phòng ngừa và kiểm soát dịch cúm gia cầm độc lực cao H5N1 ở những nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và các quốc gia láng giềng
Cập nhật lúc 10:36, Thứ năm, 26/04/2012 (GMT+7)
Tọa đàm diễn ra trong 2 ngày từ 23-25/4/2012 với sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý, cơ quan kỹ thuật và các chuyên gia kỹ thuật cấp cao đến từ Băng-la-đet, Trung Quốc, Ai Cập, In-đô-nê-sia, Việt Nam. Đây là 5 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch cúm H5N1. Đại biểu các quốc gia đã từng chịu ảnh hưởng của dịch cúm gia cầm độc lực cao H5N1 là Căm-pu-chia, Lào, My-an-ma và Thái Lan, đại diện của các tổ chức quốc tế như FAO, WHO,.. cũng có mặt tại tọa đàm.
Kể từ khi biến thể của vi rút cúm gia cầm độc lực cao H5N1 xuất hiện lần đầu vào năm 1996, đến nay đã có hơn 17.000 ổ dịch cúm gia cầm bùng phát tại châu Phi, châu Âu, châu Á, và Trung Đông. Hơn 600 người tại 62 quốc gia bị nhiễm bệnh, trong đó 60% ca lây nhiễm đã tử vong. Hàng triệu gia cầm đã bị tiêu hủy, gây thiệt hại cho nông dân trực tiếp chăn nuôi và chi phí của xã hội, làm gián đoạn khả năng cung cấp gia cầm cho thị trường tiêu dùng. Hầu hết các ca nhiễm H5N1 đều từ gia cầm lây sang người và vi rút H5N1. Vì vậy, vi rút H5N1 vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng với xu hướng biến đổi nhanh, khả năng lây nhiễm rộng và gây tỷ lệ tử vong cao.

Toàn cảnh tọa đàm
Tọa đàm lần này tại thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam nhằm mục đích tìm ra các giải pháp kỹ thuật có hiệu quả, các cơ chế chính sách định hướng cho các hoạt động tích cực trong phòng chống đại dịch cúm gia cầm. Đây là dịp để các nước chia sẻ kinh nghiệm và cùng nhau xây dựng được chương trình ứng phó cấp quốc gia trên cơ sở hợp tác có hiệu quả giữa các nước trong khu vực.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam, ông Diệp Kỉnh Tần hy vọng tọa đàm sẽ tìm ra được các giải pháp kỹ thuật hiệu quả cao, định hướng các bước tiếp theo nhằm xây dựng được chương trình ứng phó cấp quốc gia cho các nước tham gia hội nghị.
Vũ Tiết Sơn - TTKNQG