leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội thảo

Chia sẻ về Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, mục tiêu chung của Đề án là hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế. Để đạt được mục tiêu trên, một số giải pháp trọng tâm của Đề án là: rà soát, áp dụng, hoàn thiện các gói kỹ thuật đảm bảo tiêu chí phát triển bền vững; tổ chức lại sản xuất và đào tạo tập huấn nâng cao năng lực; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh; đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng tại vùng chuyên canh; áp dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành.

Tham luận tại hội thảo, công ty TNHH Bayer đã chia sẻ các giải pháp thực hành nông nghiệp bền vững hướng đến tương lai (Forwardfarm) chú trọng đến hạt giống khoẻ chất lượng cao, quy trình chăm sóc tổng hợp (kỹ thuật tưới ngập khô xen kẽ (AWD), tối ưu lượng phân bón sử dụng, hướng dẫn sử dụng sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, sử dụng kỹ thuật phun và máy sạ cụm tiên tiến) giúp giảm lượng hạt giống gieo sạ, tiết kiệm nước, tối ưu vật tư đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao khả năng chống chịu sâu bệnh hại, cỏ dại, bảo vệ vụ mùa màng, tăng năng suất và chất lượng hạt gạo, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Bên cạnh đó các vấn đề về chăm sóc sức khoẻ nhà nông cũng được Bayer thực hiện thông qua chương trình nâng cao kiến thức và huấn luyện chăm sóc sức khoẻ phụ nữ và gia đình.

leftcenterrightdel
Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo 

Công ty TNHH Giám định Vinacontrol là tổ chức giám định lớn được thành lập đầu tiên tại Việt Nam đề xuất tham gia nhóm công tác PPP ngành hàng lúa gạo Việt Nam hướng tới 1 triệu ha lúa chất lượng với một số nội dung như: giám định và khử trùng gạo; thử nghiệm mẫu đất, nước, vật tư nông nghiệp đầu vào, sản phẩm lúa/gạo,…; đánh giá và chứng nhận: VietGAP, nông nghiệp hữu cơ; hệ thống quản lý chất lượng; tư vấn/ thực hiện kiểm kê khí nhà kính, thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

Trong bài trình bày về thành lập nhóm hợp tác công tư ngành hàng lúa gạo Việt Nam, TS. Nguyễn Viết Khoa, trưởng phòng Đào tạo huấn luyện, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết dự kiến sẽ có 3 tổ chuyên môn (tổ chính sách, tổ thị trường và tổ công nghệ) giúp việc cho nhóm công tác. Một số hoạt động của nhóm công tác trong thời gian tới tập trung vào nâng cao nhận thức cho người sản xuất lúa về qui trình sản xuất SRP, về sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm; xây dựng mô hình trình diễn canh tác lúa chất lượng, giảm phát thải; tổ chức các sự kiện về sản xuất lúa bền vững, ứng dụng CS MAP trong sản xuất lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất lúa gạo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến, trong đó tập trung các ý kiến về quy chế hoạt động của nhóm công tác công tư PPP lúa gạo là: Cần bổ sung thêm các nhóm chuyên đề như nhóm cơ giới hoá, nhóm bảo vệ thực vật, nhóm công nghệ số, nhóm dinh dưỡng, các nhóm này sẽ đóng góp chuyên môn sâu hơn và có sự trao đổi thông tin để điều chỉnh công nghệ cho phù hợp. Nhiệm vụ của nhóm thị trường nên tập trung vào vấn đề dự báo thị trường, tìm kiếm thị trường nội tiêu và xuất khẩu, yêu cầu của từng thị trường, kết nối thị trường đầu ra, đầu vào. Các chính sách liên quan đến lúa gạo nên được rà soát và tổ chức đối thoại thường xuyên để đưa ra các đề xuất, kiến nghị phù hợp với thực tiễn, nên có chính sách hỗ trợ cung cầu trong chuỗi sản xuất lúa gạo.

Phát biểu tại hội thảo, ông Tô Việt Châu, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế cho rằng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có nhiều giải pháp, chính sách và kỹ thuật cụ thể để nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo, đảm bảo thu nhập cho người trồng lúa, phát triển bền vững ngành lúa gạo. Để góp phần đạt được mục tiêu trên, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn không chỉ từ phía Chính phủ mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia. Trong đó, một trong những giải pháp then chốt được ưu tiên là thực hiện đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Trong khuôn khổ của Hội nghị đã diễn ra lễ ký kết giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty Bioplan Hàn Quốc về hợp tác chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ trong sản xuất lúa gạo và lễ bàn giao bộ tài liệu huấn luyện cho giảng viên TOT và tài liệu cho nông dân (TOF) về tiêu chuẩn lúa gạo bền vững SRP. Bộ tài liệu này sẽ góp phần thúc đẩy chuyển đổi sang sản xuất bền vững và đóng góp vào chương trình 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Bộ Nông nghiệp và PTNT đến năm 2025 và 2030.

leftcenterrightdel
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty Bioplan Hàn Quốc về hợp tác chia sẻ kinh nghiệm và công nghệ trong sản xuất lúa gạo 
leftcenterrightdel
 Trao bộ tài liệu huấn luyện cho giảng viên TOT và tài liệu cho nông dân (TOF) về tiêu chuẩn lúa gạo bền vững SRP

Phát biểu bế mạc hội thảo, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu. Sau hội thảo này, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ cùng với Công ty TNHH Bayer hoàn thiện quy chế hoạt động của nhóm công tác và sẽ xây dựng khung kế hoạch hành động của các tổ công tác PPP ngành hàng lúa gạo để thực thi chủ trương, chính sách của Bộ về sản xuất lúa gạo, quản lý và hỗ trợ phát triển ngành lúa gạo theo hướng cạnh tranh cao, chất lượng, vệ sinh an toàn, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế, bền vững về xã hội và môi trường.

Ông cũng nhấn mạnh: Để định vị sản phẩm lúa gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế, đóng góp vào an ninh lương thực trên toàn cầu, ngành hàng lúa gạo Việt Nam đang rất cần sự chung tay vào cuộc của tất cả các bên trong chuỗi ngành hàng lúa gạo. Quan hệ đối tác là yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững góp phần vào việc thực hiện hoá tầm nhìn của Bộ Nông nghiệp và PTNT trong chiến lược phát triển sản xuất một triệu ha lúa bền vững, chất lượng cao, phục vụ xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.

Thanh Huyền - Đỗ Tuấn

Xem thêm tin về hội thảo trên các báo: Báo Nông nghiệp Việt Nam (Bài 1, Bài 2), Dân Việt, Thông tấn xã Việt Nam (Bài 1, Bài 2), Báo Vĩnh Long

leftcenterrightdel