Tham dự hội thảo có đại diện Vụ Hợp tác quốc tế; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Ninh; Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh và TTKN Hải Phòng cùng các cơ quan khuyến nông, tổ chức xã hội, học giả, các tổ chức thanh niên đến từ các quốc gia dọc lưu vực sông Mekong gồm Campuchia, Trung Quốc (tỉnh Vân Nam), Lào, Myanmar và Thái Lan.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm

MELA là Liên minh các tổ chức khuyến nông vùng sông Mê Kông được khởi xướng từ tháng 3/2015 tại Hà Nội - Việt Nam, bao gồm thành viên các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam và Myanmar. MELA được thành lập nhằm giúp các thành viên chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm thực tế tốt nhất trong lĩnh vực dịch vụ tư vấn nông nghiệp, tiếp thị và phát triển nông thôn bền vững.

Năm 2023 sau Hội thảo tư vấn kỹ thuật được tổ chức ở Lào, Ban Thư ký và các thành viên MELA đã thống nhất chọn Việt Nam là nước đăng cai Hội thảo MELA năm 2024. Hội thảo lần này được tổ chức nhằm giúp các thành viên chia sẻ thông tin về những phát triển mới nhất trong dịch vụ tư vấn để giải quyết các vấn đề cấp bách nhất cho nông dân sản xuất nhỏ, đặc biệt là sinh thái nông nghiệp, biến đổi khí hậu và sử dụng số hoá, đồng thời tăng cường hơn nữa vai trò của Ban thư ký MELA và các thành viên để xây dựng chiến lược, kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy sự hợp tác và kết nối giữa các thành viên và đối tác MELA trong thời gian tới.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Tô Việt Châu – Phó Vụ trưởng Vụ HTQT cho rằng nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của từng quốc gia thành viên MELA, đảm bảo an ninh lương thực và an toàn thực phẩm cũng như mang lại sinh kế, thu nhập và việc làm cho nông dân trong khu vực. Có thể thấy rằng khuyến nông đang đóng góp đáng kể vào thành công của ngành nông nghiệp tại các quốc gia thành viên MELA. Trong hội nghị này, chúng ta sẽ cùng nhau phân tích và đề xuất các giải pháp tốt nhất để giảm thiểu biến đổi khí hậu và thúc đẩy việc sử dụng công nghệ thông tin và kỹ thuật số trong nông nghiệp, đặc biệt là trong khuyến nông hướng tới nền nông nghiệp bền vững và sinh thái.

Biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp

Hiện tượng nóng lên toàn cầu, thời tiết cực đoan như hạn hán, thiếu nước vào mùa khô, cường độ mưa lớn hơn, lũ lụt gia tăng, mực nước biển dâng cao, xâm nhập mặn, nguồn dinh dưỡng trong đất bị cạn kiệt, cơ sở hạ tầng thủy lợi, giao thông kém, thiếu sự hợp tác và cải thiện chuỗi giá trị nông dân thiếu tư duy kinh doanh đã đươc các đại biểu đề cập và chia sẻ tại hội thảo.

Để giúp những hộ nông dân nhỏ ở các khu vực tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi tốt hơn với những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, các đại biểu đã thảo luận và đưa ra một số giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu trong sản xuất nông nghiệp, đó là: tăng cường tiếp cận của hệ thống kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu như ngân hàng hạt giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu; canh tác tiết kiệm nước, nguồn tài nguyên; các giải pháp canh tác bền vững (làm đất tối thiểu, xen canh, luân canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng rau trong nhà kính, trồng rau thủy canh, áp dụng các giải pháp thay thế thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại thân thiện với môi trường, canh tác dựa vào hệ sinh thái...); lập biểu đồ rủi ro (CS MAP); lập kế hoạch sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu; các giải pháp tổng thể về biến đổi khí hậu giúp người dân chống chịu và phục hồi với biến đổi khí hậu tốt hơn; giải pháp về tài chính (quản lý rủi ro, bảo hiểm mùa màng nông nghiệp); đa dạng hóa sinh kế cho nông hộ nhỏ giảm rủi ro; tăng cường nhận thức và thông tin về rủi ro biến đổi khí hậu; chia sẻ các bài học kinh nghiệm về biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh,...

leftcenterrightdel
 

Nông nghiệp sinh thái

Vấn đề ô nhiễm môi trường (ô nhiễm đất, nước và không khí) do sử dụng quá mức lượng phân bón thuốc và hóa chất bảo vệ thực vật hóa học, thoái hóa đất, lượng dinh dưỡng lớn trong đất bị rửa trôi do xói mòn đất, suy thoái đa dạng sinh học, phát thải khí nhà kính, thời tiết thay đổi thất thường khiến cho cây trồng bị sâu bệnh phá hại, gây ra giảm năng suất chất lượng, thiếu lương thực thực phẩm cho người dân.

Tại hội thảo, các đại biểu được chia sẻ kiến thức tổng quan về nông nghiệp sinh thái, bối cảnh chính sách của chuyển đổi nông sinh thái ở ASEAN và trách nhiệm trong ASEAN, hướng dẫn cho chuyển đổi nông sinh thái bao gồm: Lập kế hoạch chuyển đổi nông sinh thái, làm việc với nông dân và sự tham gia của các bên liên quan; Thúc đẩy chuyển đổi trên khắp chuỗi giá trị nông sản thực phẩm;  Phát triển chương trình nghiên cứu cho chuyển đổi nông sinh thái.

Để hướng tới hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, các đại biểu cũng thảo luận và đưa ra các giải pháp như: Phát triển nông nghiệp sinh thái, cảnh quan nông nghiệp (du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng gắn với chuyển đổi số), bảo tồn hệ sinh thái, rừng ngập mặn, hệ thống nông lâm kết hợp, sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, hạn chế tối đa việc sử dụng hóa chất trong khu vực canh tác, sử dụng các biện pháp che phủ đất nhằm hạn chế cỏ dại và sâu bệnh, bảo vệ thiên địch,…

leftcenterrightdel
Các đại biểu chia nhóm thảo luận 

Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp

Số hóa mang lại nhiều lợi ích tiềm năng về giám sát môi trường, kết nối nhà sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng, đảm bảo chất lượng, tiếp thị trực tuyến,… Tuy nhiên, nguồn nhân lực làm việc về chuyển đổi số vẫn còn hạn chế, thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về chuyển đổi số, đặc biệt là trong các lĩnh vực liên quan đến ngành nghề và lĩnh vực đòi hỏi kiến thức, hiểu biết chuyên sâu; Thiếu cơ chế chính sách phù hợp để thu hút, tuyển dụng và đãi ngộ nguồn nhân lực có trình độ về chuyển đổi số, an toàn, bảo mật thông tin.

Để thúc đẩy áp dụng công nghệ thông tin và số hóa trong lĩnh vực nông nghiệp, các nước đã đưa ra các giải pháp, trong đó khuyến khích sử dụng các phần mềm chuyên môn, số hóa các dịch vụ, hướng dẫn người dân sử dụng nhằm áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp và chuyển đổi số trong chuỗi giá trị nông sản thực phẩm, tăng cường tiếp cận thị trường, tăng cường dịch vụ khuyến nông hỗ trợ nông dân và cải thiện hạ tầng nông thôn.

leftcenterrightdel
 Đại biểu thăm mô hình nông nghiệp công nghệ cao (trồng rau thủy canh) trong nhà kính tại Trang trại xanh 188 (Đông Triều, Quảng Ninh)

Bên lề hội thảo, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức các cuộc họp song phương giữa Việt Nam với các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan để chia sẻ và thảo luận về thế mạnh nông nghiệp và khuyến nông của từng nước và đề xuất một số nội dung hợp tác trong thời gian tới.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Quốc Thanh – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết: Khuyến nông Việt Nam đang xây dựng chiến lược khuyến nông trình Chính phủ với mục tiêu “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”. Để đạt được điều đó, hệ thống khuyến nông Việt Nam đang đổi mới hoạt động theo hướng hiện đại, phục vụ nền nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững. Cán bộ khuyến nông các cấp đang được đào tạo chuyên nghiệp, hiện đại để hỗ trợ nông dân đổi mới, tiếp cận và ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xứng đáng với khẩu hiệu “Ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”.

Ông cũng mong muốn thông qua hội thảo này, các đại biểu thảo luận và đưa ra những ý tưởng mới, cách tiếp cận mới, các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy hơn nữa công cuộc phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo ở cấp quốc gia và khu vực giúp cộng đồng nông thôn của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn, sản xuất thông minh hơn và ứng phó với biến đổi khí hậu tốt hơn để xây dựng một cộng đồng nông thôn ASEAN thịnh vượng./.

leftcenterrightdel
 
leftcenterrightdel
Bên lề hội thảo, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức các cuộc họp song phương giữa Việt Nam với các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan 

Thanh Huyền

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia