Để duy trì và phát triển nền sản xuất cây ăn quả có múi bền vững, cần nhiều giải pháp; Trong đó việc áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất là một trong những giải pháp được các nhà khoa học khuyến cáo nông dân thực hiện.
- Đất trồng cây ăn quả có múi chu kỳ 2 và 3 cần cải tạo đất trước khi trồng cây ăn quả có múi, trồng cây họ đậu như đậu tương, cây lạc... từ 2 đến 3 vụ; trồng cây cốt khí, cây điền thanh... sau đó cắt, cày lật úp dùng làm nguồn phân hữu cơ, trồng một chu kỳ cây keo, kết hợp bón vôi bột nhằm cải tạo đất trước khi trồng cây ăn quả có múi chu kỳ mới.
- Kỹ thuật trồng nổi cây ăn quả có múi để tạo điều kiện cho bộ rễ tơ phát triển ngay trên tầng đất canh tác (bộ rễ tơ phát triển ngay trên bề mặt 20 - 30 cm của tầng đất canh tác).
- Áp dụng chặt đứt rễ cọc của cây ăn quả có múi trong thời kỳ kiến thiết cơ bản (cây 2 - 3 năm tuổi), không cho rễ cọc phát triển quá sâu dễ gặp mạch nước ngầm làm thối rễ cọc.
- Cắt tỉa tạo tán theo dạng hình chữ Y (làm cho cây ăn quả có múi thông thoáng, chiều cao tán để dưới 3 đến 3,5 m; áp dụng biện pháp vít cành đối với những cây ăn quả có múi trẻ tuổi (2 - 5 tuổi), cắt hạ tán với những vườn cây ăn quả có múi già cỗi (cây trên 10 năm tuổi).
- Làm cỏ, bón phân:
+ Không sử dụng thuốc trừ cỏ trong vườn cây ăn quả có múi, chỉ làm sạch cỏ gốc thường xuyên, khống chế cỏ dại trong vườn cây ăn quả có múi bằng biện pháp cắt cỏ hoặc trồng cây lạc dại, dùng màng phủ nylon chuyên dụng để hạn chế cỏ dại.
+ Đất trồng cây ăn quả có múi phải được cải tạo thường xuyên, hàng năm bón bổ sung hàm lượng phân hữu cơ vi sinh, vôi bột, lân để cải tạo đất (pH > 5,5) và bộ rễ cây ăn quả có múi.
Ví dụ: Đối với cây ăn quả có múi 5 đến 10 năm tuổi; Cuốc theo hình tán cây bón phân chuồng hoai mục (50 - 70 kg), lân bột (2 - 3 kg), vôi bột (1 - 1,5 kg), NPK tổng hợp bón lót (1 - 2 kg), phân hữu cơ vi sinh (2 - 3 kg); Trộn đều với đất và lấp lại, hạn chế tưới trong mùa đông.
+ Bón bổ sung phân bón tổng hợp NPK bón lót sau khi thu hoạch quả và phân bón tổng hợp NPK bón thúc trong giai đoạn ra hoa, đậu quả và giai đoạn quả lớn... (chú ý sử dụng phân bón tổng hợp NPK ở các thời kỳ sau thu hoạch, ra hoa, đậu quả, quả lớn, quả chín sinh lý...).
+ Thường xuyên bón bổ sung phân hữu cơ và phân hữu cơ vinh sinh; Hiện nay một số nhà vườn đã chuyển đổi sử dụng phân hữu cơ và phân hữu cơ vi sinh lên đến 70% so với lượng phân bón hằng năm cho cây ăn quả có múi. Việc sử dụng phân hữu cơ giúp cải thiện và ổn định kết cấu của đất, làm cho đất tơi xốp, thoáng khí; Cung cấp nguồn dinh dưỡng tổng hợp cho đất, làm dinh dưỡng trở thành dạng dễ hấp thu, tăng cường giữ phân cho đất; Tăng cường hoạt động của vi sinh vật trong đất, tăng cường “sức khỏe” của đất. Đất sẽ gần như trở thành “đất chết” nếu hệ vi sinh vật đất không hoạt động được.
Đất trồng cây ăn quả có múi phải được cải tạo thường xuyên
- Tưới nước và tiêu nước: Ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm để quản lý độ ẩm; Điều độ nước trong vườn cây ăn quả có múi cần hợp lý, nhất là vào thời kỳ ra hoa đậu quả cần phải giữ đủ ẩm khi vườn khô và thoát nước kịp thời khi trong vườn đọng nước (chú ý tưới nước trong thời kỳ phân hóa mầm hoa, ra hoa và đậu quả non...; tiêu thoát nước trong giai đoạn mùa mưa).
- Phòng trừ sâu bênh hại và phun phân bón lá cho cây ăn quả có múi ở từng thời kỳ, chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi đối tượng sâu bệnh hại xuất hiện và đến ngưỡng cần phải phòng trừ (chú trọng đến các thời kỳ: sau thu hoạch, ra hoa, đậu quả, quả lớn...). Việc phòng trừ sâu bệnh hại trên cây ăn quả có múi phải kịp thời, đúng đối tượng và đúng thời điểm.
Tăng cường áp dụng biện pháp sinh học trong phòng chống sâu bệnh hại cây ăn quả có múi.
Hỗ trợ nông dân trồng cây ăn quả có múi áp dụng các quy trình kỹ thuật xây dựng vườn cây ăn quả có múi năng suất, chất lượng (ICM): từ trồng mới, bón phân, chăm sóc, tưới nước, thu hoạch, bảo quản, đóng gói sản phẩm,...
* Một số biện pháp hỗ trợ cho cây ăn quả có múi ra hoa đậu quả tốt:
- Trồng xen, cắt trẻ hóa cây ăn quả có múi già cỗi và ghép cải tạo một số giống cây ăn quả có múi khác dòng. Ví dụ như vườn bưởi Diễn thì cần ghép thêm bưởi Diễn trái chum, bưởi đỏ Tân Lạc (Hòa Bình), bưởi Da Xanh (Tiền Giang), bưởi đường Cát Quế (Hà Nội), bưởi Hoàng (Hưng Yên)... trong vườn để làm tăng khả năng thụ phấn chéo, bổ sung phấn trong giai đoạn cây bưởi Diễn ra hoa đậu quả.
- Chặn, đào cắt đứt bớt rễ; vít cành, khoanh thiến thân, cành; tạo khô hạn và ngừng bón phân giai đoạn tháng 10 - 12 (âm lịch) trên các vườn cây ăn quả có múi khỏe.
- Vào những ngày có mưa axit, mưa phùn kéo dài có thể dùng máy phun thuốc phun nước lã lên cây ăn quả có múi, rung chùm hoa để hạn chế nấm phấn trắng gây hại trên cánh hoa, làm giảm hàm lượng axit đọng lại trên hoa, quả non. Sau đó phun thuốc BVTV và phân bón lá.
- Sử dụng một số chất điều hòa sinh trưởng, phun hoặc tưới cho cây vào thời kỳ trước hoặc sau khi nở hoa, đậu quả.
+ Trước lúc ra hoa 15 - 20 ngày phun phân bón lá Growth 15WP + Flower 94 hoặc phân bón lá cao cấp Feed-DT02 kích bông (theo khuyến cáo của nhà sản xuất).
+ Chuẩn bị ra hoa phun phân bón lá Flower 95 (15g/8 lít) + Bo-Lak, Canbo-Lak hoặc Phân bón lá cao cấp Feed-DT02 kích bông (theo khuyến cáo của nhà sản xuất)...
+ Khi hoa nở rộ 50 - 70% phun phân bón lá cao cấp Breed-DT02 đậu trái; Phân bón lá cao cấp Breed-DT02 siêu Bo chống rụng trái cam quýt.
+ Sau khi tắt hoa phun: Phun phân bón lá cao cấp Breed-DT02 trái lớn, phân bón lá Trimix-DT siêu lớn trái, đẹp trái (theo khuyến cáo của nhà sản xuất)...
Trung tâm Nghiên cứu và PT Cây có múi