Mô hình thực nghiệm ương cá dìa trong ao tại Quảng Ngãi
Trên cơ sở khoa học rút ra từ thực tiễn, chúng tôi xin hướng dẫn một số kinh nghiệm trong kỹ thuật ương cá dìa từ cỡ hạt dưa (1-1,5 cm/con) đến cá giống (≥5 cm/con) để góp phần mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn cho người sản xuất
1. Chọn vị trí để ương cá
Đây là một trong những khâu quan trọng quyết định sự thành công trong quá trình ương giống. Vị trí chọn để ương cá dìa nằm tại các khu vực cửa sông hoặc các đầm nước mặn nơi nguồn nước không bị ô nhiễm; thảm thực vật phong phú; nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào và các yếu tố kỹ thuật đảm bảo như: pH: 7,5 – 8,5; độ mặn: 15 – 30‰; độ kiềm: 100 – 140 mg CaCO3/l; DO > 4 mgO2/l; NO2-, NH3 < 0,1 mg/l để cá con sinh trưởng và phát triển tốt. Nếu ương trong lồng thì phải chọn nơi kín gió; có dòng chảy nhẹ lưu tốc trung bình 0,3-0,5 m/s;
2. Chuẩn bị ao, lồng
a. Đối với ương trong ao
Diện tích ao ương tốt nhất từ: 500 - 1.000m2; Chiều sâu ao sâu ương từ 1 - 1,5m; đáy phẳng hơi nghiêng về phía cống. Ao ương phải được tẩy dọn sạch sẽ, diệt trừ địch hại, có lưới chắn ở cống để khi lấy nước ngăn không cho cá dữ, cua ghẹ vào trong ăn cá con.
Cá được ương trực tiếp trong giai. Giai ương làm bằng lưới cước hoặc sợi PE; kích cỡ mắc lưới thường xuyên thay đổi tùy theo kích cỡ của cá; giai ương cá được treo dọc bờ ao (cách bờ 3-5 m) và được cột chặt vào 4 cọc tre cắm sẵn trong ao.
b. Đối với ương trong lồng:
Kích thước lồng ương: 2m x 2m x2m (dài x rộng x sâu); hoặc có thể thiết kế với kích cỡ khác tùy thuộc vào nhu cầu ương con giống trên nguyên tắc lồng ương thiết kế phải nhỏ hơn lồng nuôi để dễ quản lý, chăm sóc. Kích cỡ mắc lưới lồng thường xuyên thay đổi tùy theo kích cỡ của cá.
3. Thả cá
Thả cá dìa con để ương nên thả vào buổi sáng sớm thì tốt hơn
Kích cỡ cá thả ương: Cỡ hạt dưa chiều dài: 1-1,5 cm/con (≈ 0,1-0,15g/con).
Mật độ ban đầu thả trong giai ương: 300-500 con/m2
Mật độ ương trong lồng: 1.000-1200 con/m3
Lưu ý: Sau khi thả vài tuần có thể san thưa dần để cá có điều kiện phát triển.
4. Chăm sóc và quản lý
a. Cho ăn
Cá dìa cỡ 1-1,5 cm/con ương đến cỡ 3cm/con cho ăn bằng thức ăn công nghiệp có độ đạm trên trên 35-45% kết hợp với thức ăn cao cấp lansy, tảo khô,... Tỷ lệ cho ăn 8-15% trọng lượng thân. Mỗi ngày cho ăn 3 lần: 7 giờ , 11 giờ, 17 giờ.
Thức ăn được bỏ vào sàng cho ăn để dễ kiểm tra lượng ăn hàng ngày. Sàng cho cá ăn được treo ở nơi sạch sẽ. Kiểm tra thức ăn trên sàng để điều chỉnh một cách hợp lý tránh để thức ăn tan rã, vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm.
Để tăng cường sức đề kháng cho cá con, thường xuyên bổ sung các vitamin, khoáng chất vào trong thức ăn liều lượng 4-5g/kg thức ăn, men tiêu hóa có liều lượng 3g/kg thức ăn.
b. Quản lý môi trường nước
Đối với ương trong ao: Cần hạn chế thay nước, khi thấy nước bẩn nên thay 30% nước để kích thích hoạt động bắt mồi của cá. Thường xuyên theo dõi các chỉ tiêu môi trường trong ao để duy trì trong khoảng thích hợp. Giữ cho màu nước luôn có màu xanh ổn định.
Đối với ương cá dìa trong lồng: Cần thường xuyên kiểm tra các chỉ tiêu môi trường để đánh giá vùng nuôi có thuận lợi hay không, khi các yếu tố môi trường thay đổi không ổn định cần thiết phải di chuyển lồng đến vị trí khác cho phù hợp hơn.
5. Thu hoạch và vận chuyển
Sau 3 tháng ương trong ao, cá đạt kích cỡ ≥5 cm/con, lúc này thì cá đã đảm bảo điều kiện để nuôi thương phẩm thì thu hoạch để chuyển ra ao nuôi.
Những bài học kinh nghiệm rút ra từ đề tài thực nghiệm “Ương cá dìa từ cỡ hạt dưa lên cá giống” để đạt hiệu quả cao:
Ương cá dìa thường tỉ lệ sống sau khi ương thường đạt ở mức rất thấp dưới 50%. Để giữ tỉ lệ sống đạt ở mức cao cần phải chấp hành tốt các vấn đề sau:
- Trong suốt quá trình ương, môi trường phải ổn định và đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.
- Luôn tạo không gian yên tĩnh, tránh gây tiếng động mạnh làm cho cá hoảng loạn. Thường xuyên cho cá ăn rong biển để cung cấp dinh dưỡng cho cá giúp cá luôn khỏe mạnh, hạn chế hao hụt trong quá trình ương; rong biển cũng vừa là nơi ẩn nấp tốt nhất cho cá để tránh địch hại.
- Lưới dùng để che chắn phải mềm mại phòng gây vết trầy sước cho cá. Nên dùng loại lưới không có mắc gút thì tốt hơn. Khác với các đối tượng thủy sản khác, đối với nuôi cá dìa thì không nhất thiết phải vệ sinh rong rêu bám vào lưới vì rong rêu vừa là nguồn thức ăn của cá vừa giúp cá tránh sây sát ở vùng miệng.
Nguyễn Ngọc Tài
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ngãi