FCR là lượng thức ăn tiêu tốn để tạo ra một đơn vị sản phẩm. Theo dõi chỉ tiêu FCR trong chăn nuôi cần thiết và hữu ích vì giúp cho người nuôi có cái nhìn chính xác về cách sử dụng thức ăn của mình đã thực sự phù hợp và hiệu quả chưa, từ đó tìm cách điều chỉnh.

Nguyên nhân FCR tăng thông thường là do chất lượng các loại thực liệu phối trộn không tốt hoặc thành phần dinh dưỡng không đủ, không cân đối. Ngoài ra còn bị ảnh hưởng của một số yếu tố như:

Thứ nhất là thức ăn dù có chất lượng tốt nhưng nếu cách cho ăn không phù hợp thì FCR sẽ tăng, cụ thể là không nên thường xuyên thay đổi chủng loại thức ăn trong quá trình nuôi, số bữa ăn cho vật nuôi cần ổn định, định lượng khẩu phần cho ăn cần theo hướng dẫn và theo thể trọng thực tế của vật nuôi nhằm giúp cho vật nuôi có đủ nhu cầu dinh dưỡng và chuyển hóa thức ăn được tốt nhất.

Thứ hai là chất lượng con giống. Các giống cao sản đã được chọn lọc đều có khả năng chuyển hóa thức ăn tốt, nghĩa là FCR thấp hơn các giống bản địa.

Thứ ba là FCR càng cao hơn các giai đoạn phát triển về sau, vì thế chúng ta hiểu lý do vì sao khuyến cáo nuôi heo thịt nên xuất chuồng vào lúc heo xấp xỉ một tạ hoặc nuôi bò thịt, trâu thịt thì nên bán ở độ tuổi 18 đến 24 tháng. Các loại gia cầm nuôi thịt và lấy trứng tuy khác nhau theo giống nhưng cũng có ngưỡng trọng lượng cần bán thịt hoặc ngưỡng tuổi đẻ cần thanh lý thay đàn tương tự. Nếu tiếp tục nuôi thì vật nuôi vẫn tăng trọng, vẫn đẻ nhưng tốc độ tăng trọng và năng suất đẻ không tương quan hiệu quả với mức tiêu tốn thức ăn, FCR càng lúc càng cao, hiệu quả kinh tế càng lúc càng giảm.  

Thứ tư là cách thức quản lý. Thức ăn nếu không được bảo quản đúng cách sẽ giảm chất lượng và dẫn đến FCR tăng hoặc như điều kiện chuồng trại kém vệ sinh, môi trường chăn nuôi quá nóng hoặc quá lạnh đều làm giảm khả năng chuyển hóa thức ăn của vật nuôi và có nghĩa FCR sẽ tăng.

Thứ năm là FCR sẽ tăng khi vật nuôi mắc bệnh cả trong giai đoạn đang điều trị và hồi phục sau điều trị. Tuy nhiên, đây là yếu tố khách quan không thể điều chỉnh mà chỉ có thể giảm bớt rủi ro này bằng cách thực hiện chặt chẽ và đúng kỹ thuật khâu vệ sinh phòng bệnh và trị bệnh.

Như đã đề cập, nếu tất cả các khoản chi đều được ghi lưu để sử dụng cho công việc hạch toán hiệu quả chăn nuôi là yêu cầu lý tưởng hơn hết, tuy nhiên đối với điều kiện thực tế của phần lớn hộ chăn nuôi thì yêu cầu này khó thực hiện đầy đủ.  Vì vậy, hộ chăn nuôi trước mắt chỉ cần tập trung vào việc ghi số liệu liên quan diễn tiến sử dụng thức ăn và chi phí thức ăn để ít nhất có thể phân tích FCR là cơ bản đủ để đánh giá được hiệu quả chăn nuôi của gia đình nhằm có các hướng điều chỉnh sao cho công sức và vốn liếng bỏ ra có thể thu về lợi nhuận tương xứng./.

Lương Lễ Dũng