Hiện nay, trên đồng ruộng của tỉnh Quảng Trị có nhiều loại cỏ dại như cỏ lồng vực, cỏ đuôi phụng, cỏ cháo, cỏ chác, cỏ rau mác, cỏ rau bợ... Để quản lý cỏ dại có hiệu quả trong vụ sản xuất đông xuân 2011 - 2012, nông dân cần sử dụng các loại thuốc trừ cỏ đúng cách và thực hiện các biện pháp canh tác hợp lý.
Đối với lúa gieo, cần cày lật gốc rạ sớm, dùng máy lồng trục để cỏ dại, gốc rạ, lúa chét vùi sâu trong đất. Áp dụng phương pháp sạ hàng và gieo mật độ thích hợp từ 3 - 3,5 kg giống/sào để tạo điều kiện cho cây lúa đẻ nhánh tốt, cạnh tranh với cỏ dại. Điều chỉnh mực nước hợp lý sau khi phun thuốc, tránh không để ruộng khô nứt nẻ, tạo điều kiện cho hạt cỏ mọc.
Sử dụng giống lúa thuần chủng, có phẩm cấp như giống xác nhận (cấp 1) tỷ lệ nảy mầm cao, đạt trên 90%, nhằm tạo cho cây lúa ở giai đoạn đầu sinh trưởng phát triển tốt, lấn át cỏ dại trong ruộng lúa. Thóc giống trước khi đưa vào ngâm ủ cần phơi lại nắng nhẹ để loại bỏ hạt lép lửng, hạt cỏ. Đây là biện pháp có hiệu quả trong việc loại trừ cỏ dại lẫn theo hạt giống khi thu hoạch ở vụ trước.
Khi sử dụng thuốc trừ cỏ cần thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng là dùng đúng thuốc, phun đúng lúc, đúng liều lượng, nồng độ và phun đúng cách. Dùng đúng loại thuốc diệt cỏ là tùy theo từng loại cỏ dại có trong ruộng để chọn đúng loại thuốc, nếu cỏ dại mọc từ hạt như cỏ đuôi phụng, cỏ cháo, cỏ chát... thì dùng các loại thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm như: Sofit 300ND, Dibuta60EC, Prefit 300 EC, Bebu 30 WP, Vỉrisi 25SC...
Nếu do điều kiện thời tiết hay lý do khác mà không phun được thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm sớm thì dùng các loại thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm như: Tempest 36WP, Ankill, Ekill 37WDG... Dùng thuốc cỏ đúng lúc là sau khi đã xác định loại cỏ và chọn đúng loại thuốc thì phải phun thuốc đúng theo khuyến cáo về thời gian phun của nhà sản xuất như các loại thuốc tiền nảy mầm phun sau khi sạ từ 1 - 3 ngày (giai đoạn này cỏ chưa hoặc đang nảy mầm).
Các loại thuốc trừ cỏ hậu nảy mầm sớm phun sau gieo từ 5 - 7 ngày, tùy theo tình hình thời tiết nắng ấm hay nhiệt độ thấp kéo dài, tác động đến sự phát triển của cỏ dại, có thể phun khi cây cỏ đã mọc từ 1,5 - 2 lá. Đối với thuốc hậu nảy mầm muộn thì phun sau khi gieo từ 8 - 15 ngày (khi cỏ có từ 2 - 3 lá) không phun thuốc lúc trời sắp mưa, khi nhiệt độ dưới 16 độ C. Dùng thuốc cỏ đúng liều lượng, nồng độ, tức là mỗi loại thuốc khác nhau thì có lượng hoạt chất diệt cỏ khác nhau, nên khi sử dụng cần chú ý lượng thuốc cần dùng cho một đơn vị diện tích.
Ví dụ dùng loại Sofit 300 ND thì pha 50 ml thuốc vào bình bơm 16 lít hay 2 bình bơm 8 lít nước phun cho 1 sào, thuốc Sirius 10WP pha 1 gói 10 gam cho bình bơm 8 lít nước và phun 2 bình cho 1 sào. Nếu pha liều lượng, nồng độ cao hơn quy định thì ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây lúa giai đoạn mạ và đẻ nhánh như bị cháy lá, cây bị dị hình... nếu pha liều lượng, nồng độ thấp hơn quy định thì hiệu quả trừ cỏ của thuốc thấp.
Dùng thuốc cỏ đúng cách sẽ phát huy tính chọn lọc và hiệu quả trừ cỏ của thuốc, do vậy cần sử dụng một số biện pháp như sau: Cần làm phẳng ruộng để tránh đọng nước sau khi gieo, đồng thời dễ điều chỉnh mực nước khi phun một số loại thuốc hậu nảy mầm; tùy theo dạng thuốc bột hay thuốc nước để pha chế hợp lý. Đối với thuốc nước như Sofit, Dibuta... khi phun đổ 1/2 lượng nước vào bình sau đó đổ thuốc vào rồi dùng que khuấy đều đổ tiếp nước vào ngang vạch an toàn của bình bơm.
Đối với thuốc bột như Bebu thì dùng chai nhựa cho thuốc vào hòa đều rồi đổ vào bình bơm, cách đổ dung dịch thuốc vào bình tương tự như đối với pha nước thuốc vào bình. Cần phun đủ lượng nước thuốc đã pha theo quy định để thuốc trải đều trên mặt ruộng, nhằm tăng khả năng tiếp xúc của thuốc đối với mầm cỏ hay lá cây cỏ. Khi phun đưa vòi cách mặt đất 25 - 30 cm, không để sót lối đi phun, nhằm hạn chế thuốc cỏ dính vào người phun và hạt cỏ bị sót không tiếp xúc được với thuốc.
Qua nhiều năm sử dụng thì nên thay đổi luân phiên loại thuốc trừ cỏ, không nên sử dụng liên tục một loại thuốc có cùng cơ chế diệt cỏ trên cùng một cánh đồng (đó là thay đổi thuốc diệt hạt cỏ sang thuốc diệt cây cỏ, thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm sang hậu nảy mầm và ngược lại) nhằm mục đích phòng tránh tính kháng thuốc của cỏ hiện nay và trong thời gian tới.
Sử dụng thuốc diệt cỏ theo nguyên tắc 4 đúng cách sẽ hạn chế tối đa khả năng phát sinh của cỏ dại, tiết kiệm thuốc, chống ô nhiễm trường, tiết kiệm chi phí, giảm ngày công lao động cho sản xuất nông nghiệp và tăng hiệu quả sản xuất.
Theo báo QT