Hội thảo có sự tham dự của đại diện của Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ Nông nghiệp và PTNT), Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng Cục Thủy sản), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế và các đơn vị trực thuộc; Trường Đại học Huế; đại diện các Hợp tác xã, tổ hợp tác và nông dân các tỉnh: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam và Thừa Thiên Huế; một số doanh nghiệp thủy sản và báo đài trung ương, địa phương.

leftcenterrightdel
Ông Trần Công Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản), ông Hoàng Văn Hồng - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ tọa hội thảo

Quyết định số 79/QĐ-TTg ngày 18 tháng 1 năm 2018 của của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch Hành động Quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025 xác định mục tiêu tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm tôm hàng năm đạt 10 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu tôm nước lợ đạt 8,4 tỷ USD. Trong thời gian qua, ngành tôm đã có những bước tiến vượt bậc nhờ áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ, nhiều mô hình tốt áp dụng vào sản xuất giống, thức ăn, nuôi và chế biến xuất khẩu tôm. Đồng thời ngành tôm đã tiên phong trong hội nhập kinh tế, mở rộng thị trường khắp các châu lục trên toàn thế giới. Trong 10 tháng đầu năm năm 2022, cả nước nuôi tôm nước lợ với tổng diện tích gần 717.000 ha, sản lượng đạt 815.200 tấn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,88 tỉ USD. Nuôi tôm nước lợ đã và đang góp phần quan trọng vào đời sống kinh tế xã hội, đem lại việc làm, thu nhập cho bộ phận lớn người dân nghèo ven biển.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hoàng Văn Hồng – Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhận định: Các tỉnh Duyên hải miền Trung luôn chịu ảnh hưởng trực tiếp của các yếu tố thời tiết, trong khi đó quá trình phát triền nghề nuôi tôm còn nhiều bất cập, nguy cơ rủi ro cao do ảnh hưởng của yếu tố môi trường tác động trực tiếp đến kết quả và tính bền vững của sản xuất. Hệ thống cơ sở hạ tầng đã đầu tư, nhưng chưa theo kịp với yêu cầu sản xuất, chưa có trọng tâm, trọng điểm, việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho ao nuôi chưa đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật; tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, khó kiểm tra, kiểm soát; những mô hình áp dụng công nghệ tiến bộ còn hạn chế...

Hội thảo đã được nghe các báo cáo, tham luận về thực trạng, định hướng, cơ chế chính sách và giải pháp phát triển nuôi tôm bền vững tại các tỉnh Duyên hải Miền Trung, trong đó có 6 báo cáo trình bày trực tiếp, 11 ý kiến của Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, các chủ trang trại, doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nuôi tôm thẻ chân trắng hiệu quả và bền vững; chia sẻ các kết quả nghiên cứu, tiến bộ khoa học kỹ thuật, biện pháp quản lý trong nuôi tôm nước lợ.

leftcenterrightdel
Nông dân chia sẻ kinh nghiệm sản xuất tại Hội thảo

Tại Hội thảo, đại biểu tham dự đã thảo luận một số nhóm giải pháp chính để phát triển nuôi tôm nước lợ bền vững. Cụ thể:

- Về công tác quản lý: Các tỉnh cần có định hướng phát triển ngành thủy sản và quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản cụ thể. Tăng cường kiểm soát chất lượng con giống tại các vùng sản xuất giống tập trung nhằm đáp ứng nhu cầu con giống chất lượng cao của người sản xuất. Tăng cường công tác giám sát vùng nuôi, đặc biệt là khâu quan trắc, cảnh báo môi trường và dịch bệnh. Cần có giải pháp đồng bộ trong quản lý, giám sát vùng nuôi cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng kịp thời sự phát triển của nghề nuôi tôm.

- Về công nghệ nuôi: Việc áp dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống và nuôi nên được xem là con đường tiên tiến nhất nhằm phát triển nghề nuôi tôm bền vững. Nhiều ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại dựa trên kiến thức về sinh học phân tử và di truyền học đã và đang được áp dụng trong nuôi trồng thủy sản cũng như các ngành nông nghiệp khác. Công nghệ biofloc và chế phẩm sinh học, công nghệ nuôi tuần hoàn (RAS), công nghệ siêu âm và nano khí... nên được ứng dụng và nhân rộng nhằm tạo ra sự phát triển bền vững nhằm hạn chế lạm dụng hoá chất và kháng sinh trong nuôi tôm.

Bên cạnh những nhóm giải pháp trên, người nuôi cần nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của bản thân trong việc giữ gìn môi trường sinh thái. Bởi lẽ, do hiệu quả kinh tế mang lại cao nên người dân có xu hướng đầu tư với mật độ nuôi rất cao (từ 150-300 con/m2). Tuy nhiên nhiều hộ không đáp ứng được cơ sở vật chất, kỹ thuật không đạt yêu cầu khiến ô nhiễm môi trường và dịch bệnh tăng cao. Người nuôi có thể tham gia chương trình đào tạo, tập huấn của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và khuyến nông địa phương để nâng cao năng lực.

Kết luận hội thảo, ông Trần Công Khôi - Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) cho biết sẽ tiếp thu, tổng hợp các ý kiến của các đại biểu báo cáo lãnh đạo Bộ NN và PTNT để có những chủ trương, chính sách và giải pháp cụ thể nhằm phát triển nuôi tôm nước lợ bền vững. Đề nghị Sở NN và PTNT tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo tỉnh, thành phố các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển nuôi tôm nước lợ bền vững. Đề nghị Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, các doanh nghiệp giới thiệu tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong nuôi tôm nước lợ; dựa trên thông tin và kết quả của hội thảo đề xuất đặt hàng các nội dung liên kết hợp tác với hệ thống khuyến nông, HTX, người nông dân để hợp tác cung ứng dịch vụ đầu vào và đầu ra; HTX, người sản xuất căn cứ vào thông tin tại hội thảo để tổ chức sản xuất một cách có hiệu quả, tăng cường kết nối với các hộ nuôi, trang trại nuôi trong vùng để cùng trao đổi thông tin và nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường nuôi; các cơ quan báo chí, truyền thông tiếp tục tuyên truyền về nội dung, kết quả của hội thảo để khuyến cáo, nhân rộng trong sản xuất.

Trong khuôn khổ chương trình hội thảo, đại biểu cũng đã đi tham quan các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Thừa Thiên Huế./.

leftcenterrightdel
 Đại biểu tham quan mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Thừa Thiên Huế

Nguyễn Sâm

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia