Toàn cảnh tọa đàm

 

Nước ta có tiềm năng rất lớn để phát triển nuôi trồng thủy sản trên sông và hồ chứa. Theo số liệu thống kê, Việt Nam có 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên, nằm trong 108 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên cả nước với tổng diện tích lưu vực khoảng 1.168.420 km2, trong đó 837.430 km2 (chiếm 71,7%) nằm ở nước ngoài, chỉ có 330.990 km2 (chiếm 28,3%) diện tích lưu vực nằm trong lãnh thổ nước ta.

Bên cạnh đó, cả nước hiện có 6.695 hồ chứa nước, phân bố ở 45/63 tỉnh/thành, trong đó, các hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3 chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa trên địa bàn cả nước.

Các chuyên gia đánh giá, các hồ chứa có nguồn nước sạch, chưa có nhiều hoạt động nuôi trồng thủy sản, ít bị tác động bởi nước thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp và chất thải, hóa chất của nhà máy công nghiệp nên thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản, tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng cao.

Hiện tại, các địa phương chỉ mới khai thác được một phần nhỏ tổng diện tích hồ chứa cho hoạt động nuôi trồng thủy sản. Một số tỉnh vùng cao có sản lượng nuôi cá lồng bè trên hồ lớn và đang xây dựng thương hiệu của mình, như: Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Yên Bái...

Nhằm quản lý và khuyến khích phát triển nuôi cá lồng trên sông, hồ; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trên lưu vực sông, hồ chứa cùng các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư vào lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, một số chính sách đã được ban hành như: giao và cho thuê mặt nước; đầu tư và hỗ trợ cho công tác quy hoạch, nhập khẩu giống; đào tạo nhân lực, ưu tiên bố trí kinh phí khuyến ngư cho nuôi lồng, bè trên sông, hồ. Do đó, trong những năm qua nghề nuôi lồng, bè đã có những chuyển biến mạnh mẽ, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, phát huy lợi thế, tiềm năng diện tích mặt nước sông, hồ thủy điện để đẩy mạnh phát triển nuôi trồng, trong những năm qua, hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng bè trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang phát triển cả về số lượng và chất lượng; việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật, nuôi có kiểm soát, bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản được quan tâm thực hiện; việc liên kết theo chuỗi dần hình thành, góp phần gia tăng giá trị sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số lồng nuôi toàn tỉnh là 2.255 lồng, trong đó trên hồ thủy điện là 1.700 lồng, trên sông là 555 lồng. Tỷ lệ lồng nuôi cá đặc sản, cá có giá trị kinh tế cao chiếm 50% tổng số lồng. Sản lượng thủy sản toàn tỉnh năm 2021 đạt 10.091 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản lồng bè 2.000 tấn.

Phát biểu tại buổi toạ đàm, bà Hạ Thuý Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho rằng, mặc dù đã và đang đạt được những kết quả nhất định, thực tiễn sản xuất cho thấy, nghề nuôi cá lồng bè vẫn còn những khó khăn, tồn tại trong công tác quy hoạch, tổ chức sản xuất, việc áp dụng đúng quy trình kỹ thuật, chất lượng đầu vào con giống, vấn đề thức ăn và môi trường, việc liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ... đòi hỏi các cơ quan quản lý chuyên ngành và các địa phương phải cùng nhau bàn bạc nhằm đưa ra các giải pháp phù hợp và hiệu quả để phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng trên sông, hồ.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về chính sách hỗ trợ phát triển nuôi trồng thủy sản trên sông và hồ chứa; các giải pháp khoa học công nghệ, như quy trình nuôi, con giống, thức ăn, quan trắc môi trường và phòng chống dịch bệnh; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, thông tin tuyên truyền; vấn đề quy hoạch, quản lý và tổ chức sản xuất nghề nuôi cá lồng bè tại các địa phương; vấn đề liên kết, tiêu thụ sản phẩm, xúc tiến thương mại và phát triển thị trường…

Ban chủ tọa, ban cố vấn tọa đàm

 

Nhằm phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng, bè nước ngọt, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì phối hợp với các địa phương xây dựng các dự án khuyến ngư về nuôi cá lồng bè trên phạm vi cả nước... Từ năm 2013 Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phối hợp, chủ trì triển khai nhiều dự án mô hình nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa với nhiều đối tượng nuôi (cá tầm, lăng, chiên, diêu hồng, thát lát, nheo Mỹ…) tại các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên, Hà Giang, Quảng Ninh, Đắc Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Quảng Nam… Kết quả các dự án được tuyên truyền, nhân rộng nhằm phát triển tốt nghề nuôi cá lồng bè trên sông và hồ chứa. Đặc biệt với vùng trung du miền núi đã góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, xóa đói giảm nghèo, thay đổi cơ cấu sản xuất, hạn chế phá rừng, giảm các tệ nạn xã hội, cải thiện đời sống cho người nông dân khu vực biên giới góp phần xây dựng nông thôn mới.

Năm 2021, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã giao Chi cục Chăn nuôi thú ý và Thuỷ sản tỉnh Tuyên Quang thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá lăng chấm, cá chiên theo hướng VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm” trong 3 năm 2021 – 2023, với quy mô 1.400 m3. Dự án được thực hiện thành công sẽ giúp người dân tiếp cận được những tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trong việc nuôi cá đặc sản trong ao và trong lồng bè. Từ đó làm thay đổi tập quán sản xuất giúp người nông dân đầu tư thâm canh trong việc nuôi trồng thủy sản; góp phần làm tăng năng suất và sản lượng thủy sản hàng năm trong đó có cá đặc sản, tăng thu nhập cho người dân.

Trong khuôn khổ của toạ đàm, các đại biểu đã đi thăm mô hình nuôi cá lăng chấm trong lồng trên hồ thuỷ điện Na Hang của hộ Vi Ngọc Anh, tổ 6, thị trấn Na Hang, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Các đại biểu đã đi thăm mô hình nuôi cá lăng chấm trong lồng trên hồ thuỷ điện Na Hang

 

Ánh Nguyệt