leftcenterrightdel
Nhiều diện tích trồng chuối ở xã Phú Phương (huyện Ba Vì) bị đổ do mưa bão (ảnh: báo hanoimoi) 

 

Cụ thể, tại huyện Thạch Thất 397 ha lúa và 25,5 ha rau màu bị ngập, Thanh Trì 527 ha lúa và 96 công trình chăn nuôi công nghiệp bị tốc mái, Gia Lâm 790 ha lúa và 190 ha cây ăn quả và rau màu bị ngập, Phúc Thọ 184 ha lúa và 54 ha rau màu bị ngập, Thường Tín 670 ha, Ứng Hòa 2.000 ha, Ba Vì 40 ha, Chương Mỹ 85 ha...

 

Để khắc phục thiệt hại cho bão số 3 gây ra và nhanh chóng ổn định sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện thị xã tập trung chỉ đạo vận hành trạm bơm tiêu thoát nước đệm, triển khai các biện pháp hạ thấp mực nước hồ chứa thủy lợi; rà soát dừng thi công các công trình có nguy cơ ảnh hưởng của bão, nhất là thực hiện nghiêm việc cấp phép thi công các công trình liên quan đến đê điều, thủy lợi theo quy định.

 

Ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ cho biết: Huyện đã yêu cầu các lực lượng chức năng khơi thông cống rãnh, kênh mương, đảm bảo thông thoáng dòng chảy; tập trung chỉ đạo các trạm bơm tiêu vận hành kịp thời, hết công suất khi mưa lớn để giảm thiệt hại sản xuất nông nghiệp... Hiện nay, nước úng tại các khu vực vẫn chủ yếu tiêu thoát bằng hình thức tự chảy. Bên cạnh đó, huyện Phúc Thọ tăng cường công tác tiêu úng bằng máy bơm.

 

Tại huyện Thạch Thất, huyện đã huy động 677 người, nhiều phương tiện, thiết bị chuyên dụng... Hiện Xí nghiệp Thuỷ lợi Thạch Thất vận hành 5 trạm bơm tiêu úng đầu mối với tổng số 15 tổ máy bơm. Trạm bơm Tân Xã phải di chuyển máy do mất điện, nước ngập vào máy. Các trạm bơm Đồng Trúc, Hạ Bằng, Lim, Tân Xã không bơm tiêu được do mất điện.

 

Tại huyện Thanh Trì có 3 điểm ngập úng là các khu dân cư Triều Khúc; Tân Triều mới; đường Sông Hoà Bình, đến nay đã khắc phục xong điểm ngập thôn Triều Khúc. 19 lộ, nhánh đường dây trung thế bị mất điện, 16 cột điện gãy đổ. Công ty Điện lực Thanh Trì đã khắc phục hoàn toàn được 15 lộ đường dây và nhánh. Hiện đang còn mất điện một phần xã Yên Mỹ, Tam Hiệp, Liên Ninh, Ngọc Hồi, Thanh Liệt và một số hộ khách hàng nhỏ lẻ.

 

Tại huyện Gia Lâm, toàn địa bàn có khoảng 79 ha lúa, 150 ha, 40 ha cây ăn quả tại xã Cổ Bi, Dương Hà, Yên Viên, Yên Thường... bị ảnh hưởng; 1.900 cây ăn quả, cây xanh bóng mát tại các xã bị bật gốc, nghiêng, gãy, đổ... Ngoài ra còn có 119 công trình nhà bị tốc mái tôn, mái tum; 13 cột điện bị đổ, gãy tại các xã: Yên Thường, Đình Xuyên, Ninh Hiệp, Kiêu Kỵ, Dương Xá, Đặng Xá, 2 đường dây điện đứt hỏng tại xã Đặng Xá... Các sự cố về điện đang được Công ty Điện lực Gia Lâm đang tiến hành khắc phục, sửa chữa.

 

Bà Đặng thị Huyền, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho hay, huyện đã huy động 1.600 người, gồm các lực lượng khắc phục hậu quả của bão. Đồng thời huyện cũng yêu cầu các địa phương rà soát công trình nhà ở, nhà tạm có nguy cơ hư hỏng, sập đổ, chủ động các biện pháp phòng tránh, sửa chữa, khắc phục nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản.

 

Tại huyện Đông Anh cơn bão số 3 khiến 1.541 cây xanh và 112 ha lúa, 14 ha chuối, ngô gãy đổ. Toàn huyện có 20 lán xưởng, nhà, công trình bị tốc mái, đổ tường rào. Về hệ thống điện, có 19 lộ đường dây trung áp MC và RE bị ảnh hưởng; 10 cột điện trung thế và 30 cột điện hạ thế đổ, gãy.

 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Hoàng Hải Đăng, ngay sau khi bão tan, công tác khắc phục đã được triển khai, bảo đảm an toàn, sinh hoạt cho người dân. Hiện tại, huyện tiếp tục tổng kiểm tra, rà soát, đánh giá thiệt hại trên địa bàn; đồng thời tổ chức tổng vệ sinh môi trường, dọn dẹp cây xanh gãy đổ, công trình hư hại, hỗ trợ người dân.

 

Đặc biệt, huyện yêu cầu tập trung sửa chữa hệ thống đường điện bị hư hỏng, nhanh chóng cấp điện trở lại phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Đối với diện tích lúa, rau màu bị ảnh hưởng, các phòng, ban chuyên môn, địa phương hướng dẫn, hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả, sớm phục hồi sản xuất./.

 

Nam Giang