Từ cuối tháng 6 đến nay, nông dân trong tỉnh bước vào thu hoạch rộ và dự kiến đến cuối tháng 8 sẽ thu hoạch dứt điểm các đồng lúa. Tuy nhiên, khoảng 2 tuần trở lại đây do thời tiết bất lợi, mưa dông, áp thấp nhiệt đới gây khó khăn, ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa và năng suất lúa của người dân.
Ba ngày qua, ông Trần Văn Bé, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng mất ăn mất ngủ vì hơn 1,2 ha lúa Hè Thu đến kỳ thu hoạch nhưng do áp thấp nhiệt đới gây mưa liên tục làm cho nước ngập gần đến cổ bông nên máy gặt đập liên hợp chưa thể vào ruộng để thu hoạch lúa được. Vụ Hè Thu này, ông Bé gieo sạ lúa theo lịch khuyến cáo đợt 3 của ngành nông nghiệp huyện và chọn giống lúa Đài thơm 8 để gieo trồng. Do được gieo sạ đúng theo lịch khuyến cáo và giống lúa nên ruộng lúa nhà ông phát triển tốt và cho bông dài, dày hạt, năng suất ban đầu dự kiến sẽ đạt từ 850-900 kg/công (1.000 mét vuông).
“Mấy trận mưa dầm kèm thêm dông gió làm cho một số diện tích lúa bị đổ ngã và nếu như trong 2, 3 ngày tới không có nắng để thu hoạch ruộng nhà tôi sẽ ảnh hưởng khoảng 30% năng suất. Gia đình tôi đã mua dầu và đặt máy sẵn dưới ruộng đợi trời hết mưa sẽ bơm thoát nước từ ruộng ra kênh, đồng thời cũng đã đặt máy gặt đập liên hợp chuẩn bị sẵn, hễ trời có nắng là tiến hành thu hoạch ngay để hạn chế bị thiệt hại do mưa bão. Năng suất lúa vụ này đạt tương đương những vụ Hè Thu trước, tuy nhiên nhờ lúa bán được giá, 7.800 đồng/kg lúa tươi nên nông dân có lời khoảng 2 triệu đồng/1 công”, ông Bé nói.
Hiện tại, trên một số cánh đồng lúa của xã Vĩnh Hòa Hưng Nam, huyện Gò Quao cũng đang chín vàng đồng và nông dân đang sốt ruột chờ thời tiết thuận lợi để thu hoạch lúa. Theo ông Danh Tùng, vụ Hè Thu này gia đình sản xuất hơn 2 ha. Do cánh đồng lúa nhà ông giáp với sông cái, có nguy cơ ảnh hưởng bởi hạn mặn nên được ngành nông nghiệp bố trí lịch xuống giống lúa Hè Thu vào giữa tháng 4/2024.
“Hiện tại ruộng lúa nhà tôi được 94 ngày, lúa chín khoảng 95% và đúng lịch thu hoạch là 100 ngày; tuy nhiên thời tiết mùa này thường xuất hiện mưa bão nên vợ chồng tôi bàn với nhau khi có nắng sẽ thuê máy cắt thu hoạch sớm hơn vài ngày để tránh ruộng lúa bị đổ ngã. Tôi cũng liên hệ với đơn vị thu mua và họ cho biết nếu thu hoạch lúa sớm hơn 4 đến 5 ngày vẫn bằng với giá lúa chín đúng ngày là 8.400 đồng/kg lúa RVT”, ông Tùng cho biết thêm.
Ông Dương Duy Duyệt, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao cho hay, vụ Hè Thu 2024 trên địa bàn huyện xuống giống trên 25.000 ha. Do là địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng bởi hạn, mặn nên hầu hết diện tích lúa được gieo sạ từ đợt 3 và đợt 4 theo lịch khuyến cáo của ngành nông nghiệp tỉnh. Vì vậy, các đồng lúa đến kỳ thu hoạch rơi vào tháng 7 đến giữa tháng 8 và chịu ảnh hưởng nhất định của mưa bão.
“Vụ lúa Hè Thu này nông dân tuân thủ khá tốt lịch thời vụ và giống lúa gieo trồng nên các cánh đồng lúa phát triển tốt, ít bị sâu bệnh gây hại và dự kiến năng suất đạt khoảng 5,7 tấn/ha. Mưa dông và áp thấp nhiệt đới trong những ngày qua cũng gây sập ngã một số ruộng lúa và mực nước dưới kênh sông khá cao gây khó khăn cho việc bơm thoát nước của nông dân. Ngành nông nghiệp huyện phối hợp cùng các xã sẽ nắm sát tình hình dự báo thời tiết và chuẩn bị đầy đủ các máy gặp đập liên hợp, máy kéo để đảm bảo việc thu hoạch và tiêu thụ lúa của bà con”, ông Duyệt thông tin.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, vụ lúa Hè Thu 2024, toàn tỉnh xuống giống trên 276.000 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện: Tân Hiệp, Giồng Riềng, Gò Quao, Châu Thành, Hòn Đất. Nông dân các địa phương bắt đầu thu hoạch lúa từ cuối tháng 6/2024 và đến nay thu hoạch hơn 150.000 ha, dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 8/2024. Năng suất lúa ước đạt hơn 5,6 tấn/ha, sản lượng ước đạt khoảng 1,5 triệu tấn.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, vụ lúa Hè Thu tỉnh duy trì tỷ lệ diện tích sản xuất lúa chất lượng cao trên 90% tổng diện tích gieo trồng; áp dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, nhất là khâu gieo sạ, phun thuốc, bón phân, thu hoạch; tăng cường nhân rộng các mô hình sản xuất đạt chuẩn, hình thức liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản hiệu quả.
Ngành nông nghiệp cùng với các ngành chức năng tỉnh, đơn vị có liên quan tăng cường công tác quản lý chất lượng lúa giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn của tỉnh và Trung ương, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết nhằm chủ động trong sản xuất; vận hành đóng, mở hệ thống cống phục vụ sản xuất, nhất là chủ động triển khai các giải pháp phòng, chống mưa, bão để bảo vệ sản xuất vụ lúa Hè Thu.
Theo ông Toàn, diện tích lúa Hè Thu còn lại sẽ thu hoạch từ nay đến cuối tháng 8 có nguy cơ ảnh hưởng do mưa bão. Vì vậy, để bảo vệ diện tích lúa Hè Thu còn lại, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương cùng nông dân cần quan tâm huy động mọi nguồn lực, tranh thủ thời tiết nắng ráo tiến hành thu hoạch nhanh, đúng thời điểm lúa chín khoảng 85%, hạt có màu vàng rơm. Địa phương chú trọng đến việc tạo điều kiện tốt nhất để các ghe thu mua lúa vào thu mua lúa của nông dân ngay sau khi thu hoạch, không để tồn động lúa ngoài đồng.
“Cùng với đó, ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần thông tin kịp thời diễn biến thiên tai, áp thấp nhiệt đới, mưa bão đến người dân để chủ động trong sản xuất, chăm sóc và bảo quản lúa sau thu hoạch; chủ động kiểm tra, tu sửa đê bao, bờ bao chắc chắn để bảo vệ đồng lúa; nông dân thường xuyên thăm đồng và bơm tát nước kịp thời để bảo vệ, hạn chế đổ ngã cho các ruộng lúa”, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn nhấn mạnh./.
Văn Sĩ