Ứng dụng bả sinh học Ento-Pro phòng trừ ruồi đục quả trên cây táo là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay (Ảnh: TTKNKN NT)

 

Để giảm bớt những thiệt hại trên, ngày 18/4, Chi cục Bảo vệ Thực vật - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn người trồng táo ứng dụng bẫy bả sinh học Ento-Pro diệt trừ sâu, ruồi đục trái, giúp người trồng táo giảm chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.


Ông Nguyễn Lê, Phó cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ento-Pro là loại bả sinh học (công nghệ men bia - bã men) được sản xuất theo dây truyền công nghệ của Ôxtrâylia, đã được áp dụng phòng trừ ruồi đục quả trên các loại cây như ổi, táo, cam, quýt, thanh long… tại nhiều địa phương.


Do có hiệu quả nên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa Ento-Pro vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng rộng rãi trong cả nước. Ưu điểm của bả Ento-Pro là chất dẫn dụ ruồi dạng sinh học không gây hại môi trường và sức khoẻ người sản xuất, người tiêu dùng, sử dụng loại bả này tiêu diệt được cả ruồi đực và ruồi cái hại táo. Với ưu điểm đó, việc ứng dụng bả sinh học Ento-Pro phòng trừ ruồi đục quả trên cây táo là giải pháp hữu hiệu nhất, góp phần sản xuất táo theo hướng VietGAP, nâng cao giá trị kinh tế sản phẩm táo Ninh Thuận phục vụ cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.


Theo đánh giá của ông Ngô Sỹ Châu, cán bộ kỹ thuật - Chi cục Bảo vệ Thực vật, Ento-Pro là bã sinh học dạng lỏng, là thức ăn ưa thích của ruồi. Để diệt nhanh ruồi đục trái, cần pha 2 lít bả với thuốc hóa học là Regent phun lên bẫy được treo dưới giàn táo với góc nghiêng 45 độ, khi đó ruồi bay đến đậu và hút bả Pro, qua hai ngày bả Pro thấm vào cơ thể làm cho ruồi chết. Trong vòng từ 3 đến 4 ngày, người trồng táo phải phun xịt bả Ento-Pro vào bẫy một lần để tăng hiệu quả phòng trừ diệt ruồi đục trái. Trung bình mỗi héc ta táo, người trồng táo chỉ tốn khoảng 300.000 đồng cho một vụ.


Việc ứng dụng bẫy bả sinh học Ento-Pro phòng trừ làm giảm tỷ lệ ruồi hại trái táo trên 50%, nâng cao năng suất táo lên từ 15 - 20%, nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất táo lên 20%. Đây là lợi ích không nhỏ, giúp người trồng táo giảm được chi phí, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm táo.

 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, hiện nay Ninh Thuận có trên 1.000 ha táo. Cây táo được trồng ở hầu khắp các huyện, thành phố trong tỉnh. Vài năm trở lại đây, cây táo dần thay thế cho một số cây trồng kém hiệu quả khác. Đặc điểm khí hậu Ninh Thuận nắng nhiều và khô hanh gần như quanh năm nên rất phù hợp với trồng táo. Người trồng táo Ninh Thuận đã lai tạo và chọn được một số giống táo có chất lượng cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi đây.
Táo Ninh Thuận được tiêu thụ ở nhiều thị trường nên người dân trong tỉnh tập trung đầu tư thâm canh mở rộng diện tích. Cả tỉnh có hơn 50 cơ sở mua bán táo hoạt động liên tục, đưa táo đi tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành trong nước và xuất khẩu. Vừa qua Ninh Thuận cũng đã công bố quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2011-2020, với 8 loại cây trồng chính, trong đó có cây táo. Việc nghiên cứu giải pháp phòng trừ sâu bệnh cho cây táo sẽ giúp nghề trồng táo của tỉnh phát triển ổn định.

 


 

CT