Nâng cao chất lượng cây ăn quả chủ lực vải thiều
Lục Ngạn hiện có hơn 22.000 ha cây ăn quả các loại, trong đó vải thiều chiếm 16.293 ha. Xác định vải thiều là cây ăn quả mang thế mạnh đặc trưng của địa phương nên những năm vừa qua, Huyện ủy – UBND huyện đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện Chương trình sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa, trong đó một mặt: tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung chuyên canh, nâng cao chất lượng vải thiều, đồng thời phát triển các loại cây ăn quả khác có giá trị kinh tế cao. Theo đó, huyện đã chuyển một phần diện tích vải thiều trên đồi cao có chất lượng thấp sang trồng rừng kinh tế và một phần diện tích vải thiều vùng trũng, thấp sang trồng cây ăn quả khác; mặt khác UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nhân dân, vận động người dân tập trung chăm sóc cây vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, góp phần ngày càng nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Kết quả, diện tích vải thiều của địa phương được thu hẹp lại nhưng chất lượng các vườn vải thiều đạt cao hơn trước. Cụ thể năm 2013, Lục Ngạn có đến 18.000 ha vải thiều, trong đó chỉ có 7.500 ha vải thiều VietGAP, sản lượng ước đạt 72.000 tấn, giá trị đạt 1.296 tỷ đồng. Đến năm 2015, tổng diện tích vải thiều toàn huyện còn 16.293 ha, đã có 9.500 ha vải thiều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và 60,02 ha vải thiều Global GAP, tổng sản lượng vải thiều ước đạt 118.000 tấn, giá bán bình quân đạt 15.000 đồng/kg quả tươi, giá trị đạt 1.770 tỷ đồng.
Có thể thấy, trong công tác tiêu thụ vải thiều, nhờ có sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc xúc tiến thương mại, hỗ trợ công nghệ, khoa học kỹ thuật. Cùng đó là công tác tuyên truyền, định hướng dư luận nhanh nhạy, kịp thời của các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước… nên đã giúp cho thương hiệu vải thiều Lục Ngạn ngày càng vang xa, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ngừng được mở rộng. Tháng 5 năm 2015, vải thiều Lục Ngạn đã đăng ký bảo hộ hương thiệu Chỉ dẫn địa lý thành công tại 5 nước gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Campuchia. Vụ vải thiều năm 2015 cũng là vụ đầu tiên vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu thành công sang thị trường các nước Mỹ, Úc, Anh, Pháp… (ngoài tiêu thụ ở thị trường truyền thống trong nước 48% và xuất khẩu sang Trung Quốc gần 50% sản lượng). Tuy số lượng sản phẩm xuất khẩu sang các thị trường mới còn ít nhưng các lô vải thiều đều được khách hàng đáng giá cao về chất lượng. Từ đó một mặt khẳng định chất lượng của sản phẩm vải thiều mang thương hiệu “Vải thiều Lục Ngạn”, mặt khác mở ra cơ hội hợp tác trong tiêu thụ vải thiều những năm tiếp theo. Cùng đó, việc sản xuất vải thiều của người dân địa phương đang có sự chuyển biến tích cực, các hộ vùng sản xuất vải thiều đã lựa chọn những dòng thuốc bảo vệ thực vật sinh học thay thế các loại thuốc trừ sâu độc hại trong chăm sóc vải.
Như vậy, việc tập trung chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm vải thiều – cây ăn quả mang thế mạnh đặc trưng của địa phương đã và đang mang lại nguồn thu nhập chính cho người dân Lục Ngạn. Trong ba năm gần đây, mỗi năm giá trị thu về từ vải thiều đạt hơn 1 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay, việc tiêu thụ vải thiều vẫn còn không ít khó khăn. Đó là giá cả quả vải thiều chưa ổn định, do thị trường tiêu thụ chưa thực sự đa dạng (vẫn còn phụ thuộc nhiều ở thị trường Trung Quốc); thực trạng các điểm thu mua vải thiều trừ lùi cân nhiều từ 5 – 10 kg/tạ gây bức xúc cho người bán vải được được xử lý hiệu quả… . Đây là vấn đề các cấp chính quyền ở địa phương còn nhiều trăn trở.
Phát triển tập đoàn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao
Ngoài cây ăn quả chủ lực vải thiều, hơn chục năm qua, bằng tinh thần lao động hăng say và sáng tạo, người dân trên địa bàn huyện Lục Ngạn đã khảo nghiệm thành công nhiều giống cây ăn quả khác có giá trị kinh tế rất cao trên đồng đất quê hương. Đó là cam đường Canh, cam Vinh, bưởi Diễn, táo Đài Loan… Tiêu biểu những nông dân đi đầu trong phong trào trồng cây ăn quả có múi (cam Canh, cam V2, cam Vinh, bưởi Diễn) cho hiệu quả kinh tế cao từ 1 – 5 tỷ đồng/năm ở Lục Ngạn phải kể đến các hộ gia đình anh: Bùi Đức Long thôn Hiệp Tân, xã Hồng Giang; anh Nguyễn Duy Tuấn thôn Kim Thạch, xã Thanh Hải; ông Bùi Xuân Sinh, Bùi Xuân Chỉnh thôn Đồng Quýt, xã Tân Mộc…
Tập đoàn cây ăn quả có múi phát triển mạnh mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Lục Ngạn
Nhận thấy giá trị kinh tế cao từ cây ăn quả có múi đem lại nên những năm gần đây, các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện đã triển khai mô hình, nghiên cứu, đánh giá các giống cây ăn quả như: cam đường Canh, cam V2, cam Vinh, bưởi Diễn, bưởi Da Xanh… Qua khảo sát cho thấy, các giống cây ăn quả này có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt trên đồng đất Lục Ngạn và thực tế đã mang lại giá trị kinh tế cao cho nhân dân. Trên cơ sở đánh giá thực tế, Đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIII đã triển khai thực hiện 5 chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm, trong đó đặc biệt là Chương trình phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa đã tuyên truyền, hỗ trợ nhân dân sản xuất các giống cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Cùng đó, Huyện ủy – UBND huyện đã triển khai Đề án phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao huyện Lục Ngạn giai đoạn 2013 – 2020. Đồng thời thực hiện quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả huyện Lục Ngạn đến năm 2020. Thông qua việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, mỗi năm UBND huyện đã đầu tư hàng trăm triệu đồng hỗ trợ nhân dân mua cây con giống, đồng thời tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.
Nhờ vậy, đến nay Lục Ngạn đã có tập đoàn cây ăn quả có múi với tổng diện tích 1.960 ha (tập trung nhiều ở các xã Thanh Hải, Hồng Giang, Tân Quang, Tân Mộc, Trù Hựu, Phượng Sơn, Quý Sơn...), trong đó có 804 ha cam đường Canh; 473 ha cam Vinh, Cam V2; 603 ha bưởi Diễn, bưởi Da xanh. Tổng sản lượng cây ăn quả có múi năm 2015 ước đạt 15.887 tấn, tăng 5.348 tấn so với năm 2014, cho tổng giá trị ước đạt trên 540 tỷ đồng, tăng hơn 120 tỷ đồng so với năm 2014. Ngoài ra, huyện Lục Ngạn còn có 825 ha nhãn lồng cho thu hoạch, sản lượng năm nay ước đạt 4.500 tấn quả và 120 ha táo Đài Loan đang mang lại nguồn thu nhập khá cho nhân dân.
Cơ cấu, diện tích cây ăn quả đến năm 2020
Dự kiến đến năm 2020, Lục ngạn còn 16.000 ha vải thiều (sẽ tăng cơ cấu giống vải chín sớm như U trứng, U hồng, Vải Lai Thanh Hà… nhằm tăng hiệu quả sản xuất cũng như giảm được áp lực tiêu thụ quả tươi. Diện tích vải chín sớm tăng lên khoảng 1.900 - 2.100 ha, đạt 11,8-13% diện tích vải toàn huyện được tập trung phát triển ở một số xã: Phượng Sơn, Tân Mộc, Thanh Hải, Hồng Giang, Giáp Sơn, Mỹ An...) trong đó có 12.000 ha vải thiều VietGAP và 300 ha vải thiều sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP.
Kế hoạch mở rộng diện tích tập đoàn cây ăn quả có múi đến năm 2020: cam đường canh là 1.500 ha, cam vinh là 650 ha, cam V2 200 ha; 750 ha bưởi; Cùng đó diện tích nhãn lồng tăng lên đạt 1.000 ha và có 250 ha táo Đài Loan.
Để bảo đảm thị trường tiêu thụ, giữ vững giá trị của sản phẩm vải thiều và các loại cây ăn quả khác, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân phát triển các mô hình liên kết, hợp tác về sản xuất và tiêu thụ cây ăn quả. Đồng thời thực hiện xây dựng các kênh thị trường thông qua các phương thức hội chợ, tiếp thị, quảng cáo, xúc tiến thương mại... Có chính sách, khuyến khích các công ty, doanh nghiệp, thương nghiệp tu nhân phục vụ mua và ký hợp đồng với nông hộ, thu mua sản phẩm quả trên địa bàn. Cùng đó huyện xây dựng website giới thiệu về sảm phẩm quả gắn với tiểu vùng du lịch sinh thái; phối hợp với Sở Công Thương đẩy mạnh công tác thông tin thị trường và xúc tiến xuất khẩu với các loại quả chủ lực. Tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm quả có thế mạnh trên các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài nước.
Đức Thọ
Đài truyền thanh Lục Ngạn – Bắc Giang