Khắp các xóm làng, những con đường bê tông trải dài cùng màu xanh mướt mắt của cây thuốc lá. Những chiếc công nông, máy kéo chất đầy thuốc lá để chuyển về nhà cho vào lò sấy. Cây thuốc lá thật sự đã trở thành cây trồng mũi nhọn, góp phần làm thay đổi cuộc sống của nhiều người dân tại Cao Bằng.

 

Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh Cao Bằng, vụ Đông xuân năm 2024 - 2025, toàn tỉnh có diện tích trồng cây thuốc lá: 5.078 ha. Trong đó huyện Hòa An trồng được 1.774,65 ha; huyện Hà Quảng trồng được 1.220,22 ha. Đa số các hộ đều sử dụng giống của các công ty cấp, chủ yếu là các giống GL7, GL6, GL9, TL16, C91, D65... đã được khảo nghiệm thành công trên địa bàn cho năng suất, chất lượng tốt và khả năng chống chịu sâu, bệnh cao.

 

Huyện Hòa An là vùng trọng điểm trồng thuốc lá nguyên liệu, đặc biệt là thuốc lá chất lượng cao, diện tích trồng tập trung lớn nhất tại xã Nam Tuấn. Một trong những hộ điển hình về trồng thuốc lá chất lượng cao có gia đình ông Mạnh, xóm Vò Quý, xã Nam Tuấn.

leftcenterrightdel
Cánh đồng thuốc lá tại huyện Hòa An 

 

Ông chia sẻ: Gia đình tôi trồng 8.000 m2 thuốc lá (tương đương khoảng 10.000 cây). 100% diện tích trồng thuốc lá chất lượng cao, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng hàng đơn, đảm bảo đúng khoảng cách, sử dụng phân bón chuyên dùng và diệt chồi cho cây theo khuyến cáo của cán bộ chuyên môn nên cây phát triển tốt, thân to, lá dày, ít bị sâu bệnh hại. Đến nay, gia đình tôi đã sấy 2 lò, trung bình mỗi lò sản lượng đạt trên 70 kg thuốc lá khô. Với giá bán từ 50 - 60 nghìn đồng/kg, trừ chi phí một vụ gia đình sẽ thu về trên 50 triệu đồng.

 

Nhận thấy lợi nhuận từ cây thuốc lá đem lại cao hơn những loại cây nông sản khác, gia đình bà Lệ (xóm Nà Hoài, xã Nam Tuấn) cũng bắt đầu chuyển đổi mô hình từ trồng cây khoai tây, cây sắn sang trồng cây thuốc lá. Bà Lệ cho biết trồng cây khoai tây, cây sắn được mùa nhưng nông dân phải tự lo đầu ra, giá lại rẻ nên nhiều khi đem về chất đống trong sân và bị hỏng. Từ khi chuyển sang trồng cây thuốc lá, có công ty đầu tư vốn, giống cây trồng cũng như phổ biến kỹ thuật và đến tận nhà thu mua, bà con không phải lo lắng về đầu ra sản phẩm nên rất yên tâm phát triển cây trồng.

 

Bên cạnh đó, huyện Hà Quảng đã tích cực hỗ trợ các xã xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Trong đó, liên kết sản xuất trồng thuốc lá nguyên liệu tại các xã vùng đồng chiếm ưu thế, đem lại giá trị kinh tế cho bà con cao hơn so với các liên kết sản xuất ngô, lạc hàng hóa, gừng trâu, nghệ đỏ nguyên liệu.... Đây là những chuỗi giá trị liên kết từ nông dân đến doanh nghiệp theo phương thức doanh nghiệp cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, phòng trừ dịch bệnh và bao tiêu sản phẩm.

 

Theo Bà Trang tại xóm Nà Giảo, xã Ngọc Đào, huyện Hà Quảng - một hộ dân đã có nhiều năm trồng cây thuốc lá cho rằng: Năm nay cây thuốc lá được mùa, được giá, được chính quyền địa phương quan tâm, các công ty thực hiện tốt việc liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nên gia đình bà yên tâm duy trì và mở rộng sản xuất. Thay vì tích trữ gây khó khăn cho bảo quản sản phẩm thì các hộ gia đình trong xóm đều sấy thuốc đến đâu tiêu thụ đến đó, tạo thuận lợi cho các công ty trong việc thu mua và phân loại thuốc lá nguyên liệu.

 

Hiện nay, cây thuốc lá đang trong thời kỳ thu hoạch. Để đảm bảo năng suất, sản lượng, các công ty liên kết tiêu thụ sản phẩm cần tích cực hướng dẫn bà con quy trình hái, sấy, bảo quản sản phẩm. Chính quyền địa phương phối hợp triển khai kế hoạch thu mua, tăng cường kiểm tra thị trường, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người dân và các công ty.

Nguyễn Đàm Nhuận

Trung tâm Khuyến nông và Giống nông lâm nghiệp Cao Bằng