Chương trình đã hỗ trợ về kỹ thuật, vật tư, tiêu thụ sản phẩm và một số hỗ trợ khác để xây dựng vườn mẫu, nâng cao năng lực của khuyến nông viên, hộ nông dân được chọn. Với sự hợp tác giữa khối nhà nước (Bộ Nông nghiệp &PTNT, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện chiến lược chính sách IPSARD, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư tỉnh); Khối tư nhân Công ty (Nestle, Sygenta, Bayer, BASF, Louis Dreyfus, Yara, BaConCo, Bình Diền, Đạm Phú Mỹ…); Và khối các hiệp hội (tổ chức 4C, Rainforest, EDE, IDH, IFC…).

Trong năm 2015, sau hơn bốn năm thực hiện, chương trình đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, thành lập được 27 nhóm các hộ tham gia, trong đó có một số hộ được đánh giá đạt kết quả cao và được chọn làm hộ điểm để xây dựng tổ hợp tác sản xuất cà phê bền vững. Điểm cao của tổ hợp tác, nhóm này là thành lập được Hợp tác xã Đoàn Kết tại xã Nam Bình, huyện Đăk Song. Ngoài ra, chương trình còn thu hút được1.174 hộ tham gia tại 3 địa phương huyện Đăk Song, Đăk Rlấp và Tuy Đức, với diện tích lên đến 2.249 ha, sản lượng ước đạt 6.958 tấn.

Trong quá trình tham gia, các nhóm được chọn đã được tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực về kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê, cách ghi nhật ký nông hộ, chế biến bảo quản cà phê sau thu hoạch, các kỹ năng cần thiết của một trưởng nhóm. Kết quả sau hơn bốn năm hoạt động, các nhóm trưởng đã trưởng thành rất nhiều, mạnh dạn, tự tin hơn nhờ thường xuyên tham dự các lớp tập huấn cho trưởng nhóm. Đến nay, các trưởng nhóm đã có thể tập huấn kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững cho nông hộ trong nhóm của mình và truyền đạt kiến thức hay chia sẻ kinh nghiệm.

Trưởng nhóm Vũ Hữu Đào ở thôn 2, xã Đăk Wer, huyện Đăk Rlấp cho biết, vườn cà phê của nhà được chọn làm vườn mẫu, tuổi cây đã lên đến 20 năm nhưng năm nào cũng cho năng suất cao trên 5 tấn nhân/ha. Sở dĩ vườn cà phê tuy đã già nhưng có năng suất cao như vậy là do ông đã áp dụng kỹ thuật tiếp thu được khi tham gia các lớp tập huấn của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Công ty Nestle, Công ty Yara… Việc sử dụng phân bón hiệu quả hơn, sử dụng thuốc BVTV ít hơn, tưới nước ít hơn so với trước khi tham gia chương trình nên đã tiết kiệm được đầu vào, tăng giá trị lợi nhuận lên cao hơn.

Mô hình HTX cánh hoa PPP có kết câu như sau: Mỗi tỉnh có một HTX trung tâm (nhân hoa) làm việc trực tiếp với các công ty cung cấp vật tư nông nghiệp đầu vào và các công ty thu mua cà phê; Các HTX nhánh, các nhóm nông dân PPP sẽ là các cánh hoa (chi nhánh, cánh tay nối dài…), tập trung các đơn hàng mua chung, bán chung và liên kết với HTX trung tâm để có được các đơn hàng lớn và giá tốt hơn so với các đơn hàng riêng lẻ, nhất là hạn chế được việc mua phải phân bón giả, kém chất lượng.

Qua 4 năm triển khai thực hiện chương trình đã cho thấy những kết quả đáng kể: Duy trì cân bằng dinh dưỡng cho đất và cây trồng một cách bền vững (sử dụng phân bón một cách hợp lý, hiệu quả); Góp phần duy trì năng suất ổn định (vườn mẫu năng suất cao hơn so với vườn đối chứng canh tác theo cách truyền thống 10%/năm); Đồng thời giúp tăng năng suất hơn 13%/năm và cải thiện thu nhập cho người nông dân 14%/năm, tương đương 16 triệu đồng/năm; Giảm 50% lượng khí thải nhà kính và tiết kiện được 40% lượng nước tưới.

Chương trình hợp tác công tư phát triển cà phê bền vững trong bốn năm qua đã và đang đem lại cho ngành cà phê Việt Nam nhiều cơ hội phát triển, giúp cho nông dân thay đổi thói quen canh tác lạc hậu, biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất cà phê nâng cao vào chuỗi giá trị cà phê. Không những thế PPP còn kết nối các doanh nghiệp với người nông dân, giúp cà phê Việt Nam thuận lợi trong tiếp cận thị trường thế giới góp phần thúc đẩy cà phê phát triển, nâng cao thu nhập, bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường.

Phạm Tấn Minh

TT Khuyến nông Đăk Nông