Mô hình được thực hiện tại thôn Nam Sơn, xã Trung Giang, huyện Gio Linh trên diện tích 1 ha với 2 hộ tham gia.
Anh Hoàng Đức Hiếu, một trong 2 hộ thực hiện mô hình cho biết, trước đây ao nuôi của anh chủ yếu nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch bệnh thường xuyên xảy ra khiến nhiều vụ nuôi thất bát. Đầu năm 2024, anh được Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ kỹ thuật, cá giống và thức ăn để nuôi cá nâu thâm canh trên diện tích 0,5 ha. Qua thực tế có thể khẳng định cá nâu ít dịch bệnh, thích nghi tốt với điều kiện nuôi trong ao, nhanh lớn, giá bán cao.
Theo anh Hiếu, để thực hiện mô hình anh đã cải tạo ao nuôi theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, lắp đặt hệ thống quạt nước đảm bảo cho sinh trưởng của cá nâu. Nước sau khi lấy vào ao nuôi đạt độ sâu từ 1,5 m trở lên thì tiến hành diệt tạp, diệt khuẩn và gây màu nước, kiểm tra các yếu tố môi trường phù hợp rồi mới thả giống. Số lượng giống thả nuôi là 15.000 con, kích cỡ từ 4 – 6 cm. Thức ăn cho cá nâu là thức ăn công nghiệp dạng viên nổi có hàm lượng protein lên đến 40% đảm bảo cho cá sinh trưởng tốt. Cá nâu được cho ăn 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát. Khẩu phần ăn tùy theo giai đoạn phát triển của cá. Thức ăn được rải xuống ao nuôi ở nhiều điểm để tránh hiện tượng cá tranh giành thức ăn lẫn nhau.
Anh Hiếu cho biết, sau gần 6 tháng triển khai cá đạt kích cỡ bình quân 5 con/kg, tỉ lệ sống ước đạt trên 70%, sản lượng đạt khoảng 2,1 tấn. Với giá bán hiện tại trên thị trường khoảng 350.000 đồng/kg thì trừ chi phí mô hình cho lãi gần 230 triệu đồng.
“Sản phẩm thu hoạch có kích cỡ lớn, thịt thơm ngon, dễ tiêu thụ và bán được giá cao trên thị trường. Đây là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với nuôi trong các ao nuôi tôm không thành công, thường xuyên bị dịch bệnh”, anh Hiếu nhận xét.
Chia sẻ về những kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện mô hình, anh Hiếu cho hay, trong quá trình nuôi cần theo dõi những chuyển biến thời tiết để có phương án chăm sóc hiệu quả. Hàng tuần tiến hành đo các yếu tố môi trường như pH, độ mặn... để đảm bảo các thông số này nằm trong ngưỡng thích hợp của cá nâu. Luôn duy trì mực nước trong ao trên 1,5m. Thường xuyên sử dụng hệ thống quạt sục khí để đảm bảo ôxy hòa tan trong nước cho cá sinh trưởng. Định kỳ hàng tháng kiểm tra trọng lượng của cá nuôi trong ao nhằm điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp, không để xảy ra tình trạng cho ăn quá dư thừa vừa lãng phí thức ăn vừa làm cho nước ao nuôi bị ô nhiễm, cá nuôi dễ bị bệnh nhưng cũng không để cá thiếu thức ăn sẽ chậm lớn, năng suất thấp. Ngoài ra trong quá trình nuôi nên bổ sung men tiêu hóa, vitamin C, thuốc bổ vào thức ăn nhằm kích thích cá ăn và tăng sức đề kháng cho cá. Định kỳ sử dụng vôi nông nghiệp, chế phẩm vi sinh, khoáng chất đánh xuống ao nuôi để làm sạch nguồn nước, hạn chế khí độc trong ao, duy trì môi trường ổn định cho ao nuôi.
Phó Chủ tịch UBND xã Trung Giang Bùi Xuân Trường cho biết, cá nâu đã được người dân địa phương xuôi xen ghép trong ao nuôi tôm từ nhiều năm nay nhưng đây là lần đầu tiên nuôi thâm canh theo hướng hàng hóa. Do vậy, việc thực hiện thành công mô hình thực sự là một tín hiệu vui cho địa phương bởi tính hiệu quả, an toàn và bền vững của mô hình. Qua thực tế có thể khẳng định đây là đối tượng nuôi cho giá trị kinh tế cao, có thể thay thế cho con tôm thường xuyên bị dịch bệnh.
“Từ hiệu quả của mô hình này, địa phương sẽ vận động người dân tiếp tục nhân rộng mô hình nuôi cá nâu theo hướng thâm canh, chỉ nuôi trực tiếp một loại cá để tăng năng suất chứ không nuôi xen ghép như trước đây”, ông Trường nói.
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phan Văn Phương, nuôi tôm trong những năm qua gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, thiên tai, chi phí đầu tư lớn nhưng giá cả không ổn định dẫn đến một số diện tích ao nuôi bị bỏ hoang. Do vậy, việc chuyển đổi đối tượng nuôi, nuôi luân canh, xen canh các loài cá mặn lợ có giá trị kinh tế cao nhằm hạn chế rủi ro trong nuôi tôm là việc làm cần thiết để phát triển nuôi thủy sản bền vững. Trong đó, cá nâu là là một trong những loài cá biển có giá trị kinh tế, dinh dưỡng cao và thị trường tiêu thụ tốt. Trong tự nhiên cá nâu thường phân bố ở những nơi có bãi triều, trú ẩn trong các hốc, rễ cây và chà ở các ao đầm sông rạch, sinh trưởng tốt nhất ở độ mặn 10 – 20 phần ngàn. Đây là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, có thể được nuôi chuyên đơn canh hoặc nuôi xen ghép với các đối tượng tôm, cua, cá nước lợ mặn khác trong ao.
Tuy nhiên, ông Phương cũng lưu ý, khó khăn của mô hình nuôi cá nâu là chi phí đầu tư khá lớn, lên đến hơn 1 tỉ đồng/ha. Nguồn giống cá nâu không chủ động do phụ thuộc vào thu gom ngoài tự nhiên. Thời gian nuôi khá dài, ít nhất từ 6 – 10 tháng tùy theo mức đầu tư nên cần thả nuôi sớm để thu hoạch trước mùa mưa bão, nhất là những vùng nuôi thấp trũng, không vượt được mưa lũ. Ngoài ra trong quá trình nuôi cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe cá nuôi và các yếu tố môi trường để có biện pháp xử lý kịp thời, nhất là khi thời tiết bất lợi, thời điểm chuyển mùa.
“Trên cơ sở thành công của mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện quy trình kỹ thuật để nhân rộng ra các địa phương ven biển khác nhằm đa dạng đối tượng nuôi”, ông Phương cho biết thêm.
Lan Anh – Trương Quyết – Hồ Nữ
Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị