Chị Bùi Thị Thùy, Giám đốc HTX nông lâm nghiệp Sơn Thịnh cho biết, với mục đích liên kết các hộ dân hỗ trợ nhau trong sản xuất, tạo giá trị cao cho sản phẩm nông nghiệp, tháng 9/2019 chị cùng 6 hộ gia đình thành lập HTX với ngành nghề chính là trồng cây dược liệu, hương liệu. Hiện nay, HTX có 8 ha cây hương nhu, trong đó 6 ha đang cho thu hoạch.

Theo chị Thùy cây hương nhu dễ trồng, có thể trồng trên nhiều loại đất, thích nghi tốt cả trên đất đai cằn cỗi và cây hương nhu có khả năng giữ nước cho đất; vốn đầu tư ít, không tốn nhiều công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế khá cao. Sau 6 tháng trồng sẽ cho thu hoạch, có thể thu 3 lứa/năm và thu hoạch liên tục từ 5 - 6 năm với năng suất bình quân đạt 10 tấn cành lá/lứa/ha…

Chị Thùy kiểm tra chất lượng của cây hương nhu

 

Trong quy trình trồng hương nhu, công đoạn khó khăn, đòi hỏi cần nhiều kinh nghiệm nhất là việc xuống giống cây con vì hạt giống hương nhu rất nhỏ, khó thu hoạch cũng như gieo trồng. Theo đó, hạt giống được chị mua và thu hoạch ngoài đồng ruộng vào tháng 12 hàng năm. Sau khi chọn lựa kỹ càng, hạt giống được xử lý rồi đưa vào ươm tại vườn ươm vào tháng 2 đến tháng 3 năm sau. Sau 2 - 3 tháng, khi cây đạt chiều cao từ 20 - 30 cm mới đưa ra trồng.

Chị Thùy chia sẻ thêm, các hộ trong HTX không sử dụng thuốc hóa học và chỉ sử dụng phân lân nung chảy để bón cho cây nên sản phẩm đảm bảo sạch và an toàn cho người tiêu dùng. Khi cây đạt chiều cao từ 1 - 1,2 m, bắt đầu ra hoa, chọn ngày thời tiết nắng ráo thì tiến hành thu hoạch, thời điểm này cây cho hàm lượng tinh dầu cao nhất. Thân, lá hương nhu sau khi thu hoạch được đưa vào chưng cất tinh dầu bằng phương pháp truyền thống.

HTX đã đầu tư xây dựng 3 nồi chưng cất tinh dầu hương nhu với công suất trung bình 1 tấn nguyên liệu/nồi, qua chưng cất thu được từ 3 - 3,5 lít tinh dầu/nồi, bán với giá 2,1 triệu đồng/lít. Như vậy, doanh thu mỗi ha đạt khoảng trên 150 triệu đồng/năm. Ngoài việc sản xuất tinh dầu hương nhu, phần bã thải sau khi nấu tinh dầu còn được ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Sản phẩm tinh dầu hương nhu của HTX được các đối tác đánh giá cao về hàm lượng tinh dầu. Hiện nay sản phẩm được phân phối cho các công ty dược liệu, cơ sở kinh doanh tinh dầu trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Vĩnh Phúc…

Năm 2020, sản phẩm tinh dầu hương nhu đã được cấp mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc; có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu. Hiện nay, HTX đang hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để đánh giá, xếp hạng sản phẩm tinh dầu hương nhu đạt sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Trong thời gian tới HTX thực hiện đầu tư nâng cấp trang thiết bị chiết xuất tinh dầu để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao hơn nữa, đồng thời chú trọng trong quảng bá giới thiệu sản phẩm tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ.

Mô hình chế biến tinh dầu hương nhu của HTX Nông lâm nghiệp Sơn Thịnh đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh hàng hóa, giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Đây là sản phẩm có nhiều tiềm năng, lợi thế của địa phương để thực hiện Chương trình OCOP./.

Nguyễn Thị Gái

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang