Trong quá trình đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hạ Hòa xác định dù xây dựng NTM như thế nào nhưng việc phát triển nông nghiệp vốn là gốc cho xuất phát điểm vẫn không thể bỏ qua. Chính vì vậy, cùng với việc hoàn thiện những công trình dân sinh thì ở khắp các địa phương trong huyện, người dân tích cực tăng gia sản xuất, mở rộng diện tích rừng lấy gỗ.


Là một địa phương có địa hình nhiều đồi núi, xen kẽ là những thung lũng và cánh đồng, đây là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế rừng. Trong những năm qua, các địa phương trong huyện đã chủ động khuyến khích người dân mở rộng diện tích rừng trồng cây lâm nghiệp, lâm trường Thanh Hòa cũng tích cực giao rừng tới từng hộ dân để phát triển và mở rộng diện tích rừng trên địa bàn. Hiện nay, toàn huyện Hạ Hòa có trên 13.000ha đất lâm nghiệp, độ che phủ của rừng đạt trên 40%, chiếm diện tích đất rừng lớn là các xã Quân Khê, Ấm Hạ, Phụ Khánh, Đại Phạm, Hà Lương, Phương Viên…Tính đến nay, Hạ Hòa là một trong những huyện được đánh giá là địa phương có diện tích rừng vào loại lớn trong huyện.

 

Hạ Hòa được phủ một màu xanh bạt ngàn của cây rừng


Việc trồng rừng ở Hạ Hòa hiện nay trở thành nhu cầu lớn đối với người dân. Không đơn thuần dừng lại ở việc phủ xanh đồi núi trọc như trước mà hiện nay, trồng rừng mang lại nhiều nguồn lợi thiết thực cho người dân. Trước hết, trồng rừng sẽ giúp người dân xóa đói giảm nghèo trên diện tích đất đồi núi của gia đình mình được giao. Hơn nữa, trồng rừng lấy gỗ sẽ giúp người dân giải quyết tốt việc chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp từ diện tích cây chè già cỗi, diện tích đất hoang hóa sang diện tích cây lấy gỗ. Mặt khác, hiện nay ở Hạ Hòa, người dân phát triển rộng khắp mô hình chế biến gỗ ván ép, gỗ xẻ tại chỗ. Cả huyện hiện nay có trên 50 xưởng chế biến lớn nhỏ, nhiều nhất là xã Ấm Hạ (gần 40 xưởng), do vậy, việc trồng rừng sẽ đáp ứng nguồn nguyên liệu gỗ không nhỏ tại chỗ cho các xưởng chế biến gỗ.


Xác định được những lợi thế về rừng cũng như những lợi ích mà rừng mang lại, trong phong trào xây dựng NTM ở Hạ Hòa hiện nay, huyện cũng như chính quyền các xã phối hợp với Hội nông dân và trạm khuyến nông tích cực hướng dẫn bà con nông dân về giống cây mới, kỹ thuật mới để từng hộ gia đình chủ động phát triển diện tích rừng của gia đình mình.


Hiện nay, người dân ở các xã thấy cây keo lai là loại cây cho năng xuất cao, thời gian ngắn, thích nghi với nhiều loại đất kể cả đất bạc màu nên bà con đưa giống cây này vào trồng ở hầu hết các diện tích đất rừng. Nếu như 5 năm về trước, cây bồ đề, bạch đàn, mỡ còn chiếm diện tích lớn nhưng thấy thời gian cho thu hoạch khá dài, hiệu quả không cao nên người dân Hạ Hòa đã đưa cây keo lai vào trồng trên diện tích đất rừng được giao.


Theo thống kê, năm 2012, huyện Hạ Hòa được giao trồng trên 400ha rừng; đến tháng 3, toàn huyện đã trồng được trên 178ha rừng tập trung và gần 47.000 cây phân tán. Năm 2013, theo kế hoạch, toàn huyện Hạ Hòa sẽ trồng 450 ha rừng tập trung. Trong đó, sẽ tập trung vào việc giao đất rừng tới từng hộ dân để đảm bảo chất lượng cây trồng và chăm sóc, hơn nữa huyện cũng chỉ đạo trạm khuyến nông đảm bảo về cây giống cho các địa phương vào đầu năm, làm tốt công tác kiểm lâm để bảo vệ rừng, chống phá rừng trái phép.
Từ những định hướng chung của huyện, trong thời gian qua, người dân ở các địa phương đã coi phát triển rừng như một hướng làm kinh tế để vươn lên thoát nghèo. Về các vùng thôn quê Hạ Hòa hiện nay, những khu đất hoang hóa trước đây giờ được chính bàn tay người dân làm thay đổi bằng màu xanh của cây rừng, những nương chè già cỗi được chuyển thành diện tích cây keo lai xanh tốt.


Ấm Hạ là một trong những xã có nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo, làm giàu ngay tại chính quê hương mình nhờ trồng rừng. Với diện tích đất tự nhiên 1. 274,01 ha trong đó đất rừng và đất lâm nghiệp 858 ha chiếm 68%, rừng khoanh nuôi phòng hộ 29,2 ha, rừng kinh tế 828,8ha, độ che phủ của rừng đạt 52%. Trong 5 năm qua, toàn xã đã trồng mới được 111,5 ha rừng bằng các loại cây có giá trị kinh tế và 21. 350 cây phân tán. Ấm Hạ cũng là một trong những xã có số xưởng chế biến gỗ vào loại lớn trong huyện. Vì vậy, trồng rừng sẽ là giải pháp nhằm đáp ứng nguồn nguyên liệu cho các xưởng khi mà nhu cầu về gỗ đang lên cao.


Quân Khê cũng là địa phương có nhiều đồi núi, rất thuận lợi cho trồng cây lâm nghiệp. Dọc đường vào xã và đường đi khu du lịch Ao Trời- Suối Tiên, không gì khác ngoài những cánh rừng xanh ngút ngàn. Có được “tấm thảm xanh” ấy là nhờ trong những năm gần đây, chính quyền xã đã tích cực khuyến khích người dân trồng cây keo lấy gỗ trên diện tích đất được giao. Hiện nay, toàn xã có trên 1442,1 ha ha cây lâm nghiệp chủ yếu tập trung vào trồng cây keo lai cho năng xuất cao và nhanh. Nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo nhờ tập trung trồng và chăm sóc rừng.


Về Hạ Hòa hôm nay, màu xanh của lúa ngô hòa vào màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng đang giai đoạn phát triển. Đi dưới những con đường làng, những tấm thảm xanh của rừng như bao bọc và làm đẹp thêm cho những xóm làng bình dị. Đó là màu xanh mà người dân nơi đây đã và đang gìn giữ, phát triển trong phong trào xây dựng NTM. Mỗi người dân Hạ Hòa đều xác định được rằng, dù NTM có nhiều cái mới đến đâu, cũng không thể bỏ được ruộng, được rừng.


Nguyễn Thế Lượng
(Hạ Hòa- Phú Thọ
)