Nhận thấy vùng đất bãi ven sông Đuống thuộc thôn Đồng Đông, xã Đại Đồng Thành hợp với trồng cây cà rốt, anh đã mạnh dạn thuê lại 10 ha đất ổn định của các hộ dân ở đây để sản xuất. Vừa làm vừa học, sau mỗi vụ anh lại có thêm những kinh nghiệm để trồng cà rốt cho năng suất chất lượng cao, giống cà rốt được anh Thường gieo trồng là TAKII SEED có nguồn gốc từ Nhật Bản là giống có tiềm năng cho năng suất cao và mẫu mã đẹp. 

Từ những kinh nghiệm nhiều năm trồng cà rốt, anh Thường chia sẻ, vụ trồng cà rốt kéo dài khoảng 7 tháng, bắt đầu trồng từ trung tuần tháng 8 hàng năm và kéo dài đến khoảng tháng 4 năm sau, trồng cà rốt sau khoảng 3,5-4 tháng thì bắt đầu cho thu hoạch. Với 10 ha cà rốt được anh Thường bố trí trồng rải vụ để có thể cho thu hoạch liên tục trong vòng 3 tháng và cao điểm là những tháng cuối năm. Để trồng được 10 ha cà rốt anh Thường đã đầu tư 2 máy làm đất với giá 250 triệu đồng/chiếc và cho lắp đặt hệ thống tưới nước tự động để phục vụ gieo trồng cà rốt, có sự hỗ trợ của máy móc và công nghệ đã giảm rất nhiều chi phí công lao động. Anh Thường cho biết, ngoài 2 lao động thường xuyên, khi thời vụ trồng và thu hoạch cà rốt anh phải thuê thêm từ 15-20 lao động với mức thuê là 200.000 đồng/người/ngày.

Khi được hỏi về kỹ thuật trồng và chăm sóc cà rốt, anh Thường cho biết, khâu chuẩn bị đất là quan trọng. Cần phải làm kỹ, vệ sinh đồng ruộng tốt trước khi làm đất, rải đều phân chuồng hoại mục, phân hữu cơ, phân tổng hợp và vôi cày kỹ để đảm bảo đất tơi xốp, sâu 25-30cm. Làm luống gieo 1,4 m cả rãnh, luống cao 10-15cm, cào phẳng mặt luống, tưới ẩm đất và phun Dual 25 ml/bình 8 lít 4-5 ngày trước khi gieo hạt, khi gieo xong thì giải rơm rạ trên mặt luống để giữ ẩm. Về phân bón dùng để trồng cà rốt gồm: phân chuồng hoại mục: 250-300 kg/sào, phân tổng hợp NPK là 30-35 kg/sào, anh Thường sử dụng 100% là bón lót.

Về phòng trừ sâu bệnh gây hại, anh Thường lưu ý, cần chú trọng phòng bệnh là chính. Cà rốt thường xuất hiện một số loại sâu bệnh sau: sâu xám, sâu khoang, rệp muội, bệnh đốm vòng, bệnh thối nhũn, bệnh cháy lá... Để cà rốt phát triển tốt, anh Thường phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện sớm các loại sâu bệnh và thực hiện các biện pháp phòng trừ, chỉ thật cần thiết mới phải phun thuốc bảo vệ thực vật nhằm hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học. Anh Thường sử dụng bằng thiết bị bay không người lái để phun thuốc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn đảm bảo thời gian cách ly đến khi thu hoạch.

leftcenterrightdel

Anh Thường (người thứ hai từ bên trái) chia sẻ về năng suất vụ cà rốt 

Do có kinh nghiệm sản xuất từ nhiều năm nên toàn bộ diện tích cà rốt của anh Thường sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao, bình quân trên 1,5 tấn/sào. Thời điểm thu hoạch năm nay, toàn bộ cà rốt của gia đình anh được thương lái đến tận ruộng thu mua. Anh Thường cho biết, tổng các khoản chi phí cần thiết như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công, máy móc… tính cho 1 sào trồng cà rốt là 4 triệu đồng/sào. Với giá bán như năm nay, 5.000 - 6.000 đồng/kg tùy theo thời điểm, sau khi trừ đi các chi phí thì 1 sào trồng cà rốt anh Thường thu lãi khoảng 3 triệu đồng. Năm 2023, với 10 ha trồng cà rốt đã cho sản lượng trên 400 tấn, anh Thường thu lãi trên 800 triệu đồng. Ngoài vụ trồng cà rốt, anh Thường còn trồng thêm được vụ dưa lê và vụ rau, nếu tính thu nhập cho cả năm anh Thường cũng thu lãi gần 1 tỷ đồng.

Anh Thường tâm sự, làm nông nghiệp chịu tác động của nhiều yếu tố như biến đổi khí hậu, thời tiết, sâu bệnh…, chưa kể đến việc được mùa thường hay mất giá. Sau nhiều năm gắn bó với trồng cây cà rốt có vụ tôi cũng thất bại, thu không đủ chi, tuy nhiên tôi vẫn phải kiên trì sản xuất, học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất chất lượng sản phẩm, đặc biệt cần tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm. Trồng cà rốt rải vụ chính là để có nguồn cung cho thị trường theo từng thời điểm, giải quyết được câu chuyện xuất bán cà rốt số lượng lớn trong cùng một lúc.

Ông Nguyễn Dũng Anh - Phó chủ tịch UBND xã Đại Đồng Thành cho biết, vụ đông năm 2023, nông dân trên địa bàn xã đã gieo trồng được 30,5 ha cây rau mầu, trong đó có 10 ha ngô, 10 ha trồng cà rốt và 10,5 ha là rau mầu các loại. Để trồng cà rốt với diện tích lớn, anh Thường đã mạnh dạn thuê đất ổn định của các hộ dân thuộc thôn Đồng Đông, xã Đại Đồng Thành, với mức thuê là 700.000 đồng/sào/năm theo phương thức trả tiền 5 năm một lần ngay khi ký hợp đồng. Đến nay anh Thường đã thuê được 11 năm và được các hộ dân rất đồng tình ủng hộ. Để hỗ trợ kịp thời cho người sản xuất, xã Đại Đồng Thành đã cùng ngành nông nghiệp thị xã Thuận Thành tiến hành lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho hộ anh Thường có diện tích trồng cà rốt tập trung theo Nghị quyết số 07/2022/NQ-HĐND, ngày 07/7/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Ninh.  Hiện nay, tích tụ ruộng đất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao cho người nông dân. Thời gian tới, xã Đại Đồng Thành sẽ tăng cường tuyên truyền để thực hiện tốt công tác xây dựng vùng sản xuất tập trung và bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp, khuyến khích đưa các giống cây trồng cho năng suất, chất lượng cao vào sản xuất.

Tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ là điều kiện để xây dựng vùng sản xuất tập trung theo hướng sản xuất chuyên canh hàng hóa, tích tụ ruộng đất vừa phát huy được tiềm năng lợi thế của đất đai, vừa đẩy mạnh được ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để không ngừng nâng cao năng suất sản lượng cây trồng, gia tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích. Với hiệu quả kinh tế mang lại từ trồng cây cà rốt của anh Trần Văn Thường tại thôn Đồng Đông, xã Đại Đồng Thành, thị xã Thuận Thành sẽ là cơ sở để giúp địa phương và người dân có thêm những lựa chọn về bố trí cơ cấu cây trồng phù hợp./.

Nguyễn Lam

Trung tâm DVNN thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh