Ðiển hình như gia đình anh Trần Văn Thịnh, sinh năm 1991, tại thôn Cây Cọ, xã Sơn Nam đã thực hiện thành công mô hình trồng thanh long ruột đỏ đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với cây lúa, ngô, mở ra hướng đi mới cho nhiều người nông dân trong xã. Hiện nay, mô hình trồng thanh long ruột đỏ của gia đình anh Thịnh đã và đang được nhiều nông dân đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, mua giống về trồng và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Theo lời giới thiệu của đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Nam, chúng tôi đến thăm mô hình trồng thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế cao của gia đình anh Trần Văn Thịnh. Vừa đến cổng nhà đã gặp anh Thịnh đang trong vườn thanh long kiểm tra độ chín của lứa quả để chuẩn bị cắt bán cho khách hàng.

Anh Thịnh cho biết, trước đây kinh tế gia đình anh cũng khó khăn như bao người nông dân khác trong thôn, nguồn thu nhập của gia đình chủ yếu trông chờ vào bãi ngô nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám mãi. Bản thân anh, sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, do hoàn cảnh gia đình nên anh không tiếp tục học lên đại học mà rẽ sang làm công để có đồng lương phụ giúp gia đình. Hơn 2 năm bươn trải ở khu công nghiệp, với thu nhập từ lương công nhân cũng chỉ đủ chi phí sinh hoạt cho bản thân chứ không tích lũy được bao nhiêu nên anh quyết định về quê lập nghiệp. Thời gian này, trong suy nghĩ của anh luôn thường trực câu hỏi “trồng cây gì và nuôi con gì” để thoát nghèo và vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê nhà. Đang trăn trở, băn khoăn tìm hướng phát triển kinh tế thì tình cờ trong một lần xem Chương trình “Bạn của nhà nông” phát trên kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam về mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ cho hiệu quả kinh tế cao. Qua nghe trao đổi của các nhà khoa học tại Chương trình, nhận thấy cây thanh long cũng có thể phù hợp với đồng đất Sơn Nam nên anh đã bàn với gia đình và thống nhất lựa chọn thanh long làm cây trồng chính để phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2012, gia đình anh đã mạnh dạn chuyển đổi gần 1 mẫu đất vườn nhà vốn là diện tích trồng mía và ngô kém hiệu quả sang đầu tư 400 trụ bê tông để trồng cây thanh long ruột đỏ. Sau hai năm tập trung chăm sóc, vườn thanh long sinh trưởng tốt và bắt đầu ra bói. Qua theo dõi vụ quả đầu tiên, anh nhận thấy vườn thanh long của gia đình so với một số vườn thanh long khác thì số lượng hoa /lứa ít, các lứa /vụ thưa hơn và tỷ lệ quả nhỏ khi cho thu hoạch khá nhiều dẫn đến năng suất thấp, giá thành sản phẩm bán ra không cao.

Không chấp nhận kết quả trên, anh đã thu xếp thời gian, công sức tìm hiểu qua các kênh thông tin đại chúng, mạng internet và trực tiếp đến các nhà vườn đang trồng thanh long cho hiệu quả kinh tế cao ở trong và ngoài tỉnh; đồng thời tham dự các lớp tập huấn về cây trồng, vật nuôi do hệ thống khuyến nông tổ chức để nắm bắt kỹ thuật và học hỏi từ thực tế. Sau một thời gian nỗ lực học hỏi cùng với sự chia sẻ kinh nghiệm từ cán bộ khuyến nông và các chủ vườn, anh nhận ra cây thanh long của gia đình anh cho năng suất thấp là do chất lượng về giống. Đây là bài học kinh nghiệm để đời đối cá nhân anh và những người có cùng chí hướng trồng cây ăn quả.

Anh Thịnh cho rằng: Đối với cây thanh long nói riêng, cây ăn quả nói chung ngoài việc trồng, chăm sóc theo quy trình kỹ thuật thì yếu tố lựa chọn đúng giống có năng suất, chất lượng sản phẩm tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng sẽ là vai trò then chốt quyết định hiệu quả kinh tế của nhà vườn.   

Năm 2015, mặc dù đã bỏ vốn đầu tư và công sức chăm sóc cho vườn thanh long không nhỏ nhưng anh Thịnh vẫn quyết định phá bỏ toàn bộ giống thanh long cũ để cải tạo và mở rộng diện tích trồng mới 700 trụ bằng giống thanh long ruột đỏ nguồn gốc từ Thái Lan và đã được trồng thành công ở một số vùng tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là giống thanh long ruột đỏ có nhiều ưu điểm vượt trội như: dễ trồng, chống chịu sâu bệnh tốt, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, có nhiều lứa hoa/vụ nên sẽ kéo dài thời gian thu hoạch, cây cho nhiều quả, quả to, mẫu mã đẹp, vị ngọt đậm, chất lượng ổn định phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Năm 2017, sau 2 năm tập trung chăm sóc, vườn thanh long sinh trưởng rất tốt và bắt đầu ra hoa đậu quả, kết thúc giai đoạn kiến thiết cơ bản và chuyển sang thời kỳ kinh doanh. Niên vụ 2019 - 2020 sản lượng thu hoạch gần 22 tấn quả với giá bán trung bình khoảng 22 - 25 nghìn đồng/kg thu về gần 500 triệu đồng. Với phương châm vừa làm, vừa trao đổi học hỏi rút kinh nghiệm và mở rộng dần diện tích, đến nay gia đình anh Thịnh đã có 2.500 trụ thanh long trên diện tích gần 2,5 ha. Hiện tại, vườn thanh long của gia đình anh đang có 2000 trụ thanh long trong giai đoạn thu hoạch, với sản lượng tăng dần theo hàng năm, dự kiến trung bình mỗi năm vườn thanh long của gia đình anh Thịnh cho thu nhập ổn định trên 500 triệu đồng. Đây thực sự là một nguồn thu không nhỏ đối với mỗi hộ gia đình thuần nông trên địa bàn tỉnh nhà.

leftcenterrightdel

Vườn thanh long của gia đình anh Thịnh được chọn làm mô hình vườn mẫu nông thôn mới của xã Sơn Nam 

Ðánh giá về hiệu quả kinh tế mô hình thanh long ruột đỏ của gia đình anh Thịnh, ông Trần Mạnh Tâm, Chủ tịch UBND xã Sơn Nam cho hay: Thanh long ruột đỏ là mô hình mới được triển khai trồng trên địa bàn xã, bước đầu đã khẳng định được giá trị và cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với nhiều loại cây ăn quả khác, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân. Hiện nay, tổng diện tích trồng thanh long trên địa bàn xã khoảng trên 20 ha, tập trung chủ yếu ở thôn Cây Cọ.

 Để mở rộng sản xuất, tạo thương hiệu riêng nhằm quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm thanh long bền vững, ngay từ cuối năm 2020, Ủy ban nhân dân xã đã triển khai tuyên truyền vận động các hộ trồng thanh long thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất. Kết quả, ngày 14/5/2021, Hợp tác xã Hưng Thịnh được thành lập gồm 7 thành viên tham gia/10 ha diện tích đất sản xuất do anh Trần Văn Thịnh làm Giám đốc; sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện nay, Hợp tác xã Hưng Thịnh đang hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định với 23 thành viên tham gia sản xuất trên diện tích đất 15,4 ha, sản phẩm của của các thành viên tạo nguồn hàng lớn, đảm bảo nguồn cung và được thương lái đến tận nơi thu mua.  Hàng năm, các thành viên trong HTX thường xuyên tổ chức các buổi đi thực tế thăm vườn thanh long trong và ngoài tỉnh để các thành viên trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau phát triển sản xuất.

Trong thời gian tới, UBND xã tiếp tục chỉ đạo các đoàn thể, Hội Nông dân xã khuyến khích, tuyên truyền về hiệu quả của cây thanh long ruột đỏ để bà con nông dân trong xã mở rộng diện tích trồng, tạo việc làm, tăng thu nhập bền vững, góp phần xây dựng nông thôn mới và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương./.

Nguyễn Mạnh Tường

Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang