Sau khi dẫn chúng tôi đi vòng quanh trang trại, anh Hoà (thôn Kim Đề, xã Hà Ngọc) mới ngoài 40 tuổi, chủ động mở đầu câu chuyện: “Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, do “đam mê” công việc nhà nông nên đã tìm đến nghề chăn nuôi lợn thương phẩm để phát triển kinh tế gia đình”. Từ năm 2012, anh nhận 0,7 ha đất (bố mẹ chuyển nhượng) để làm trang trại chăn nuôi. Trên diện tích đó, anh tính toán bỏ vốn ban đầu (350 – 400 triệu) xây dựng chuồng nuôi lợn, nuôi bò, đào ao nuôi cá, trồng cây rau màu các loại với tinh thần “tấc đất tấc vàng”, hàng năm thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách đầy đủ với địa phương.

Tìm hiểu qua anh Hoà và được “mục sở thị”, chuồng nuôi lợn thiết kế khá hợp lý: nhà mái che lợp tấm phibroxi măng, vật liệu làm khung, cột kèo, rào chắn, dàn ngăn bằng vật liệu sắt, nền nhà láng xi măng, tường rào bao quanh chuồng trại xây gạch bi, cửa ra vào lắp khoá, có hệ thống điện chiếu sáng, sử dụng 5 cây quạt công nghiệp làm mát, lắp camera để kiểm soát bảo vệ và chống trộm cắp (điện năng tiêu thụ cho mỗi tháng khoảng 700 KW)...

Anh Hòa chia sẻ, ban đầu chỉ nuôi loại lợn thuần số lượng ít, còn nhiều lúng túng bỡ ngỡ, hiệu quả cũng thấp… nhưng vừa làm vừa học hỏi. Anh trực tiếp gặp gỡ những người trong và ngoài địa phương có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi lợn, lại được tham gia các lớp tập huấn ngắn ngày về kỹ thuật chăn nuôi gia súc gia cầm và liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm do Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức. Rồi từ đó quyết định “làm lớn”, năm 2015 anh đầu tư vốn đưa đàn lợn nái sinh sản tới 25 con (thực hiện dự án đầu tư của huyện và được hỗ trợ hàng trăm triệu đồng), kết quả đem lại hiệu quả kinh tế cao là động lực thôi thúc anh quyết tâm phát triển “nghề” nuôi lợn thương phẩm phục vụ nhu cầu thị trường, người tiêu dùng.

“Tôi đầu tư tập trung ưu tiên phát triển đàn lợn nái để sản xuất lợn giống sạch, loại giống lợn nái ban đầu mua tại cơ sở uy tín, từ đó duy trì phát triển thêm số lượng. Hiện tại trong chuồng duy trì 11 lợn mẹ, trọng lượng bình quân 180 kg/con. Đàn lợn nái được phối tinh nhưng đảm bảo chất lượng tốt, mỗi năm sinh sản 2 lứa có năm tới 230 lợn con/năm, hao hụt rất ít không đáng kể. Lợn con được sinh sản vừa đủ để nuôi lợn thịt thương phẩm, không phải nhập giống bên ngoài dễ lây nhiễm bệnh tật. Về cách chăm sóc, trong suốt thời gian lợn mẹ mang thai đến khi đẻ (trong vòng 3 tháng 24 ngày), cho lợn ăn thức ăn cám viên mỗi con 2,5kg/con/ngày. Lợn con đẻ ra bú sữa mẹ, khi lợn con được 1 tháng thì cai sữa và cho ăn loại cám sữa cao cấp (loại 600 nghìn đồng/bao), sau đó cho ăn giảm dần hàm lượng. Lợn con được tách nuôi theo từng ngăn chuồng vừa dễ chăm sóc, vừa giúp lợn khoẻ và phát triển tốt cho đến khi lợn được 5 – 6 tháng thì xuất bán. Tại thời điểm, trong chuồng có 90 con lợn thịt và được tách làm 4 ngăn mỗi ngăn 25 con, loại lớn nhất 35 con trọng lượng 90 kg/con, loại trung bình 25 con bình quân 60 kg/con, loại choai choai 30 con bình quân 35 – 45 kg/con…

leftcenterrightdel
 Anh Phạm Văn Hoà chăm sóc đàn lợn

Thức ăn cho lợn là loại cám viên tổng hợp mua tại nhà máy thức ăn chăn nuôi gia súc Đức Minh, tỉnh Hưng Yên. Hàng tháng, theo đơn đặt hàng nhà máy vận chuyển thức ăn đến cơ sở chăn nuôi, mỗi năm trại lợn của anh Hoà tiêu thụ 85 tấn/năm. Để đảm bảo vệ sinh luôn sạch sẽ, máng cho lợn ăn được sử dụng bằng vật liệu inox. Định kỳ tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn lợn từ lúc mới đẻ đến khi xuất chuồng, thường xuyên theo dõi kịp thời phát hiện để xử lý. Tuy nhiên, từ trước đến nay đã không sảy ra dịch bệnh gây thiệt hại cho đàn lợn. Đảm bảo chế độ ăn, lợn nái cho ăn ngày 2,5 kg thức ăn/con chia 2 lần, lợn thịt ăn tự động, cám đưa vào toa máng lợn tự ăn… Khi xuất bán lợn thịt, thương lái (lò mổ được cấp giấy phép) là người trên địa bàn đưa xe ô tô đến mua tại chuồng trại, bình quân mỗi tháng bán ra 1 lần trọng lượng 1,5 - 1,7 tấn, giá bán tuỳ theo thị trường bình quân 58 - 60 nghìn đồng/kg thịt lợn hơi, giá hiện tại trên 60 - 65 nghìn đồng/kg, thu về 90 – 100 triệu đồng/năm trừ chi phí đầu tư. “Hiệu quả kinh tế thu được từ con lợn tăng gấp 3 – 4 lần so với sản xuất lúa hoặc cá cùng trên diện tích đó”, anh Hoà khẳng định.

Để xử lý mùi hôi, ruồi muỗi gây ô nhiễm ra môi trường, phòng ngừa dịch bệnh xảy ra trên đàn lợn, anh Hoà xây dựng 1 ao (bể) chứa chất thải, dùng ống dẫn khử mùi lọc khí bioga đưa vào bếp trực tiếp để đun nấu phục vụ sinh hoạt hàng ngày trong gia đình. Hàng ngày chuồng trại được dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ bằng nước giếng khoan của gia đình. Cơ sở chăn nuôi của anh chủ yếu là người trong gia đình làm nên giảm được một khoản chi phí thuê nhân công.

Anh chia sẻ thêm: Nuôi lợn là một nghề truyền thống gắn bó lâu đời với nhà nông cần phải duy trì. Bây giờ nuôi lợn hàng hoá để phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo và làm giàu. Vì vậy phải mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh để tăng thêm giá trị kinh tế và thu nhập nâng cao đời sống. Muốn vậy phải tâm huyết, toàn tâm toàn ý kiên trì bền bỉ với “nó” nên việc khó mấy cũng phải làm. Hơn chục năm qua, từ khi “khởi nghiệp” nuôi lợn đến nay cơ sở chăn nuôi của anh có khá nhiều thuận lợi: thị trường tiêu thụ tương đối ổn định và đem lại hiệu quả, chuồng trại được xây dựng gia cố đảm bảo bền vững, vốn phát triển sản xuất không phải đi vay; Các Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện, Địa chính và Thú y xã thường xuyên phối hợp kiểm tra vệ sinh môi trường, hướng dẫn thêm cách xử lý chất thải. Trang trại của anh được huyện, xã đánh giá là một trong các cơ sở chăn nuôi gia súc chấp hành tốt quy định về VSMT, sản xuất thịt lợn sạch đảm bảo ATVSTP và sức khoẻ cho người tiêu dùng.

Ngoài nuôi lợn, đàn bò trong chuồng nhà anh hiện có 7 con (4 bò sinh sản, 3 bò thịt) nuôi chăn thả ngoài đồng cỏ là chủ yếu, mỗi năm sinh sản 4 bê con nuôi từ 6 – 8 tháng xuất bán thu được bình quân 15 – 20 triệu đồng/con, cho lãi từ 50 – 60 triệu đồng/năm.

Được biết, làm nghề chăn nuôi gia súc như anh Hoà thì ở Hà Ngọc quê anh có một số hộ SXKD quy mô vừa và họ “đi lên”, làm giàu cũng từ con lợn. Đó là các anh Trần Văn Chương (47 tuổi), đàn lợn thịt của anh hiện có trong chuồng từ 150 – 200 con, nhưng có thời điểm “sốt” thịt lợn để tung ra thị trường. Hay ông Lê Văn Quý (42 tuổi) duy trì thường xuyên đàn lợn nái sinh sản từ 50 mẹ trở lên, anh Quý chủ yếu nuôi nái sinh sản để sản xuất giống, hàng năm cung cấp ra thị trường một khối lượng không nhỏ lợn con giống và thu về số tiền cũng không nhỏ…  

leftcenterrightdel
 Trang trại chăn nuôi, ao cá của chủ cơ sở sản xuất Phạm Văn Hoà, thôn Kim Đề, xã Hà Ngọc, huyện Hà Trung, Thanh Hoá

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nguyễn Huy Vui nhận xét, Chi hội phó Hội CCB thôn Kim Đề Phạm Tiến Hoà là hội viên Câu lạc bộ CCB làm kinh tế giỏi, hộ nông dân chăn nuôi giỏi trong xã. Hiệu quả kinh tế từ mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm của đồng chí Hoà đã có tác dụng tích cực, lan toả trong toàn Hội và nhân dân trong xã, là tấm gương xứng đáng để học tập./.

Lê Như Cương

Tiểu khu 6, Thị trấn Hà Trung, Thanh Hoá