Ở thôn 1 xã Phước Đức, huyện Phước Sơn (Quảng Nam), dân cư là người Bhnoong (dân tộc Giẻ-triêng) chiếm hơn 60%, được coi là cư dân bản địa. Người dân ở nơi đây quanh quẩn với cây lúa, cây sắn, cây ngô trên đất nương rẫy, nhưng đất đai cằn cỗi nên năng suất thấp, thu nhập hằng năm thấp, cuộc sống vô cùng khó khăn.

Trong những năm trở lại đây được sự quan tâm của chính quyền địa phương nên người dân đã yên tâm phát triển kinh tế cho gia đình. Không ngại khó, ngại khổ, dám nghĩ, dám làm cùng với đức tính cần cù, ham học hỏi biết áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất nên nhiều hộ dân đã thoát nghèo và ổn định cuộc sống, trong đó điển hình như hộ gia đình chị Hồ Thị Nhé.

Dẫn chúng tôi đi tham quan trang trại, chị Nhé kể: với lợi thế gia đình có diện tích đất vườn rừng và đất nương rẫy nhiều (hơn 30 ha), chị đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại tổng hợp, với cây trồng chủ lực là keo lai và phát triển chăn nuôi bò, heo đen (bản địa), gà ta thả vườn. Ban đầu do ít vốn nên chị chỉ đầu tư trồng 20.000 cây keo lai (khoảng 5-6 ha), lấy ngắn nuôi dài chị tập trung chăn nuôi gà thả vườn, heo đen và bò cỏ, hằng năm lấy số tiền lãi thu được tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng keo.

leftcenterrightdel
 Trang trại tổng hợp trồng rừng và chăn nuôi của chị Hồ Thị Nhé

Để nâng cao hiệu quả mô hình, chị dành nhiều thời gian tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do Trung tâm Khuyến nông tỉnh, huyện và Hội Nông dân tổ chức, tham gia sinh hoạt hội làm vườn... học tập kinh nghiệm, mở rộng mối quan hệ để liên kết bao tiêu sản phẩm. Ngoài ra, chị hay tranh thủ thời gian đọc sách báo, tờ rơi, tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm, để nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Đối với cây trồng trang trại chị chọn cây keo lai, loài cây này dễ trồng, sinh trưởng nhanh, sớm cho thu hoạch nguyên liệu (4-5 năm), còn mô hình chăn nuôi, chọn con vật nuôi bản địa dễ nuôi, có sức đề kháng cao, ít bị dịch bệnh xảy ra. Nhờ vậy, những năm qua, loại cây trồng, con vật nuôi trong trang trại sinh trưởng và phát triển ổn định, cho nguồn thu năm sau cao hơn năm trước.

Hiện nay, trang trại của gia đình chị có khoảng 30 ha rừng trồng keo nguyên liệu, hơn 1,0 ha trồng sắn và trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, heo đen 60 con, bò địa phương 40 con, cùng đàn gà ta thả vườn gần 1.000 con. Hàng năm trang trại mang lại doanh thu hơn 300 triệu đồng, sau khi trừ chi phí mang về lợi nhuận trên 150 triệu đồng. Nhờ đó, gia đình chị vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống và xây được ngôi nhà khang trang, có tiền nuôi 4 người con ăn học…

Nguồn thu nhập thường xuyên của gia đình chị Nhé là bán gà, heo đen, bò và nguyên liệu rừng trồng cho thương lái. Học theo cách làm của chị nhiều hộ nông dân trong khu vực cũng đã được chị tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ con giống để cùng phát triển kinh tế. Chị Nhé cho biết, trong những năm tới sẽ chuyển đổi cơ cấu cây trồng và con vật nuôi, trồng rừng gỗ lớn, tuyển chọn con giống tốt để mở rộng quy mô đàn nuôi. Đồng thời, hỗ trợ người dân trong thôn (bản) thực hiện theo mô hình để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Anh Đinh Văn Đường - Chủ tịch Hội nông dân xã Phước Đức, huyện Phước Sơn cho biết: “Ngoài việc phát triển kinh tế gia đình, chị Nhé còn là một hội viên tích cực tham gia các phong trào Hội, thường xuyên vận động các hội viên xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Hằng năm hội nông dân đánh giá tổng kết mô hình sản xuất kinh doanh giỏi đưa cán bộ hội viên thăm quan học tập và noi theo đặc biệt mô hình như gia đình Chị Nhé để xây dựng nhân rộng những mô hình như thế này”

Bằng sức lao động và tinh thần tự lực vươn lên, chị Hồ Thị Nhé là tấm gương điển hình tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và câu chuyện vượt khó của chị là động lực để các hộ nông dân không ngừng nỗ lực phấn đấu, xây dựng cuộc sống mới từ đôi bàn tay và ý chí vươn lên làm giàu chính trên mảnh đất quê hương mình./

Phan Đăng Danh

Trung tâm Khuyến nông Quảng Nam