Vốn là người có sở thích nuôi và chăm sóc các loại chim cảnh, thú cưng, chị Mười và các thành viên trong gia đình bị lôi cuốn bởi sức hấp dẫn của các loài chim công, chim trĩ thông qua truyền hình và mạng xã hội. Sau thời gian tìm hiểu, đầu năm 2018, chị Mười đặt mua 01 cặp chim công con và 01 cặp chim trĩ con với số tiền gần 5 triệu đồng về nuôi chơi. Nhờ có niềm đam mê nên chị Mười tích cực chăm sóc và tìm hiểu dần cách phòng ngừa dịch bệnh qua thực tế nuôi dưỡng nên 2 loài chim này phát triển tốt. Khi đã có đủ kiến thức và kinh nghiệm nuôi chim, chị quyết định đầu tư vốn mua thêm 03 chim công mái trưởng thành (12 triệu đồng/con) về nuôi để sinh sản, mở rộng đàn. Đồng thời, mua máy về ấp trứng chim. Tất cả trứng đẻ ra, chị đều cho ấp nở để nuôi. Đến nay, chị đã có đàn chim cảnh hơn 120 con, trong đó có 10 chim công mái đang đẻ trứng, 5 chim công trống trưởng thành và 5 cặp chim trĩ trưởng thành.

leftcenterrightdel
Chị Mười chăm sóc đàn chim công của gia đình 

Theo chị Mười, mỗi chim công mái được chăm sóc tốt từ khi đủ 24 đến 36 tháng sẽ đẻ trứng và mỗi con sẽ đẻ 20 đến 30 trứng/năm. Trứng sau khi đẻ ra được đưa vào máy ấp đủ 29 ngày thì nở con, chim con mới nở sẽ được cho vào lồng nuôi úm 3 đến 4 tháng sau đó cho ra chuồng. Lúc này chim có giá khoảng 5 triệu đồng/cặp, tiếp tục nuôi đến đủ 1 năm chim sẽ có giá khoảng 8 triệu đồng/cặp và nuôi đến trưởng thành (2 – 4 năm) thì mỗi cặp chim công sẽ có giá  từ 12 đến 60 triệu đồng tùy vào hình dáng, màu sắc lông… Còn đối với chim trĩ, mỗi chim mái nuôi đủ 24 tháng sẽ đẻ trứng và mỗi con sẽ đẻ được từ 15 đến 20 trứng/năm, trứng khi đưa vào ấp đủ 21 ngày sẽ nở con. Mỗi cặp chim con sau khi nuôi úm sẽ có giá gần 2 triệu đồng, khi được 7 – 8 tháng có giá khoảng 4 triệu đồng/cặp và khi trưởng thành có giá khoảng 8  - 10 triệu đồng/cặp.

Chị Mười cho biết, chim công và chim trĩ rất dễ nuôi. Mỗi ngày chị chỉ cần bỏ ra 2 giờ để cho ăn, dọn chuồng và thay nước uống, thời gian còn lại có thể làm nhiều việc khác. Thức ăn cho chim cũng đơn giản, dễ tìm như cám, gạo, trái cây…. Ngoài ra, 2 loại chim này cũng rất ít dịch bệnh, chỉ cần tiêm vắc-xin khi mới mở và trộn thuốc cho ăn khi thời tiết chuyển mùa là chim phát triển tốt.

Với cách làm đó, khoảng 1 năm nay gia đình chị Mười đã có chim để bán với nhiều kích cỡ khác nhau tùy theo yêu cầu khách hàng, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Chim của gia đình chị không chỉ được bán cho những người trong vùng mà còn bán ra nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nam, Hưng Yên...

Bằng vốn hiểu biết và kinh nghiệm của mình qua thực tế chăm sóc, chị Mười sẵn sàng chia sẻ để mọi người cùng học tập và áp dụng. Ngoài ra, lông đuôi chim công trống đến kỳ thay lông cũng có giá trị thẩm mỹ cao, được nhiều người đặt mua để làm các vật trang trí, nhất là dịp tết. Riêng thu nhập từ lông công cũng đem lại cho gia đình chị khoảng 10 triệu đồng/năm.

leftcenterrightdel
Nuôi và chăm sóc chim công, chim trĩ giúp chị Mười và các thành viên trong gia đình thỏa mãn đam mê 

Nếu so sánh với với các loại vật nuôi khác thì có thể thấy mô hình nuôi chim cảnh của gia đình chị Mười có nhiều tính ưu việt hơn như: không chiếm nhiều diện tích, dễ nuôi, vừa mang tính giải trí vừa có thu nhập. Không những thế, nó còn không có áp lực về lứa bán, chim có thể bán ở nhiều giai đoạn khác nhau, chim càng trưởng thành càng có giá cao….

Không những mang lại nguồn thu nhập đáng kể mà nuôi và chăm sóc chim công, chim trĩ  hàng ngày còn giúp chị Mười và các thành viên trong gia đình thỏa mãn đam mê. Chị xem chúng như những đứa con tinh thần của mình và không thể tách rời, hễ đi đâu một hai ngày là thấy nhớ. Do đó, chị Mười đang dự định mở rộng quy mô trong thời gian tới để thỏa mãn niềm đam mê cũng như phát triển kinh tế cho gia đình./.

Trường Giang

Trung tâm Văn hóa, TT-TT Phù Cát, Bình Định