Cánh đồng Anh Dừa và Anh Rành với diện tích 40 ha ở thôn Ngô xá, xã Long Châu, huyên Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh nằm ngày sát khu công nghiệp lớn, là khu ruộng chuyên canh tác lúa của người dân nơi đây. Từ khi có khu công nghiệp về thôn, người trẻ tuổi thì đi làm công nhân, một số thì buôn bán, kinh doanh các mặt hàng khác nhau phục vụ khu công nghiệp. Vì vậy, nhiều hộ gia đình đã không còn mặn mà với sản xuất nông nghiệp, dẫn đến diện tích đất nông nghiệp khu này của địa phương bị bỏ hoang.

Nhìn cánh đồng của thôn rộng bao la, bát ngát bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, vốn là người chăm chỉ hay làm, anh Nguyễn Văn Tẩu đã bàn với vợ cùng trao đổi với ban lãnh đạo thôn và các hộ dân có ruộng ở khu đồng trên cho gia đình anh chị mượn ruộng để canh tác. Ý tưởng của anh đưa ra được ban lãnh đạo thôn và người dân nơi đây đồng tình ủng hộ và cho anh mượn ruộng mà không phải trả thêm bất cứ khoản phí nào.

Qua trao đổi, anh Tẩu cho biết gia đình anh bắt đầu nhận khu đồng này từ năm 2017. Từ khi bắt đầu nhận ruộng anh đã được cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông (nay là Trung tâm dịch vụ nông nghiệp) và Phòng nông nghiệp huyện Yên Phong hướng dẫn quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung. Mỗi năm anh sản xuất 02 vụ lúa và chỉ cấy 01-02 giống. Ngoài ra anh còn được Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tạo điều kiện kết nối với Công ty cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam (VinaSeed) cung cấp giống và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Vụ xuân năm nay gia đình anh chỉ cấy 02 giống là giống lúa VNR20 và giống lúa nếp Ngọc Lam, trong đó: 10 ha giống VNR20, 10 ha giống nếp Ngọc Lam để làm giống và 20 ha giống nếp Ngọc Lam thương phẩm. Tất cả các giống này đều đã được Công ty cổ phần Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

Để giảm chi phí, tiết kiệm nguồn nhân lực, nâng cao hiệu quả sản xuất, anh mạnh dạn đưa cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, cấy máy, phun thuốc trừ sâu, đến khâu thu hoạch. Hiện nay gia đình anh cũng đã đầu tư 02 máy cày, 01 máy cấy, 01 máy gặt. Ngoài ra khi có sâu bệnh anh thuê máy bay không người lái để phun thuốc trừ sâu bệnh.

Mạnh dạn mượn đất, áp dụng khoa học kỹ thuật đã mang lại cho anh Tẩu hơn 800 triệu động mỗi năm

 

Trao đổi với anh Tẩu về chính sách hỗ trợ của nhà nước, anh cho biết khu ruộng mà gia đình anh đang canh tác tập trung 01-02 giống mỗi vụ nên đã được tỉnh hỗ trợ 03 năm đầu với kinh phí là 5 triệu đồng/ha/năm và được hỗ trợ 50 - 70% giá mua giống. Được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền địa phương và người dân nơi đây, sự hỗ trợ của nhà nước và sự nhạy bén của bản thân, cùng với sự mạnh dạn đầu tư cơ giới hóa, ứng dụng công nghệ cao nên gia đình anh Tẩu rất thuận lợi trong sản xuất.

Được hỏi về hiệu quả sản xuất anh cho biết, sau mỗi vụ, trừ tất cả chi phí gia đình anh thu lãi khoảng trên 400 triệu đồng. Như vậy, với quyết tâm không bỏ ruộng hoang cùng sự chịu khó, hăng say lao động, gia đình anh Tẩu mỗi năm cũng thu về trên 800 triệu đồng. Đây là khoản tiền không nhỏ đối với người nông dân.

Việc tích tụ ruộng đất, không bỏ đất hoang, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất đã đem lại nguồn thu đáng kể cho người nông dân. Đồng thời cũng đã tạo ra được vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, giúp giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập góp phần thúc đẩy sự phát triển nông nghiệp của tỉnh. Đây là mô hình tích tụ ruộng đất ở những vùng ven khu công nghiệp đáng được học hỏi và nhân rộng.

Đỗ Thị Vui

Trung tâm Khuyến nông và PTNN Công nghệ cao Bắc Ninh