Dẫn chúng tôi tham quan vườn dưa lưới, anh Bách chia sẻ: Năm 2020, qua tìm hiểu trên mạng internet, anh thấy mô hình dưa lưới trong nhà màng cho hiệu quả kinh tế cao. Anh mạnh dạn đầu tư gần 200 triệu đồng để làm nhà màng, hệ thống tưới, giá đỡ và các thiết bị sản xuất chuyên dụng đồng bộ. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm trong sản xuất nên nhiều vụ dưa của anh thất bại. Không nản chí, anh quyết tâm học hỏi kỹ thuật trồng dưa lưới trong nhà màng qua các phương tiện thông tin đại chúng và đến trực tiếp các nhà vườn sản xuất hiệu quả tại các địa phương trong và ngoài tỉnh. Sau nhiều năm bền bỉ, đến nay anh đã thành công khi mỗi năm thu về hơn trăm triệu đồng từ mô hình này.
|
|
Nhà màng giúp che mưa, che nắng, ngăn côn trùng xâm nhập nên không chỉ giúp dưa lớn nhanh, mà còn tạo ra vân lưới đẹp, độ lớn đồng đều
|
Anh Bách cho biết: Dưa lưới trong nhà màng có thể trồng quanh năm mà không sợ mưa hay yếu tố bất lợi của thời tiết tác động. Bởi nhà màng che mưa, che nắng, ngăn côn trùng xâm nhập nên không chỉ giúp dưa lớn nhanh, mà còn tạo ra vân lưới đẹp, độ lớn đồng đều. Quá trình trồng chỉ sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ chăm sóc nên sản phẩm đảm bảo an toàn chất lượng, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng.
Anh Bách là người đầu tiên trồng dưa lưới trên giá thể trong nhà màng tại xã Lưu Vĩnh Sơn. Anh sử dụng mụn xơ dừa, phân trùn quế, đất sạch, chế phẩm sinh học tạo thành giá thể hữu cơ để trồng dưa. Anh cho biết: “Thời tiết Hà Tĩnh có những ngày nắng lập đỉnh, trong nhà lưới nhiệt độ luôn ở mức 45 - 500C. Những ngày như vậy, anh dành nhiều thời gian thích hợp để chăm sóc vườn, vào cuối ngày anh bơm nước phun sương để nhanh chóng làm mát cho cây trồng”.
“Nhiệt độ tăng cao và chuyển mưa thất thường làm phát sinh nhiều sâu bệnh, nhất là bọ trĩ chui qua lưới gây hại, quả dưa lưới hay bị bệnh thối rễ cây… Chúng tôi phải sử dụng kết hợp nhiều loại chế phẩm sinh học để diệt trừ và phục hồi cho cây”, anh Bách cho biết thêm.
Dưa lưới là một loại cây nhiệt đới, thích hợp với điều kiện nhiệt độ từ 18 đến 30 độ. Do vậy, việc trồng dưa lưới trong mùa nắng nóng gặp rất nhiều bất lợi. Bởi vậy, theo anh Bách để cây phát triển đồng đều thì từ khâu làm đất, chọn giống phải được chú trọng. Đối với hệ thống tưới, anh Bách dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Isreal. Theo đó, nguồn nước, phân bón đều được chuyển qua hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel đến từng gốc dưa, đáp ứng từng giai đoạn sinh trưởng của cây và không bị lãng phí nguồn nước tưới. Hệ thống tưới tự động tưới chính xác cho mỗi cây với đủ các thành phần dinh dưỡng nên dưa phát triển đồng đều.
Vào thời điểm dưa lưới ra hoa, phải tiến hành thụ phấn, khi cây ra quả mỗi cây chỉ giữ lại một quả đẹp nhất để nuôi cho tới khi thu hoạch. Đây là cách để cây tập trung dinh dưỡng vào nuôi quả. Ngoài ra để phòng tránh dịch bệnh, người trồng phải thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh, tạo sự thông thoáng cho vườn. Trước thời điểm thu hoạch khoảng 1 tuần sẽ cắt nước tưới đến dưa để giúp quả dưa ngọt và giòn hơn.
|
|
Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, trồng cây, chăm sóc nên dù nắng nóng vườn dưa của anh Bách vẫn cho quả chất lượng |
Hiện anh Bách đang trồng 2 loại dưa chính là dưa vàng và dưa lưới, những quả dưa anh trồng đều tương đối lớn, có trọng lượng trung bình lớn hơn 1,8 kg. Dưa trồng trong mùa hè lại có độ giòn, ngọt, mát, chứa hàm lượng chất dinh dưỡng cao... thị trường tiêu thụ ổn định.
“Với 600m2 nhà kính, trung bình mỗi vụ tôi xuất bán được hơn 2 tấn dưa, giá bình quân mỗi ký dưa có giá 30-40 ngàn đồng, sau khi trừ hết chi phí thì lãi được 40-50 triệu đồng”, anh Bách vui vẻ nói.
Ông Bùi Công Thư, Phó Chủ tịch UBND xã Lưu Vĩnh Sơn, huyện Thạch Hà cho biết: “Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của anh Hồ Sỹ Bách là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Đây cũng là cơ hội giúp nông dân học hỏi kinh nghiệm, tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, trong thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục vận động, khuyến khích, tuyên truyền cho bà con nhằm mạnh sản xuất, nhân rộng mô hình và tăng hiệu quả kinh tế cho người dân”.
Ánh Nguyệt
Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh