Xã Phong Phú có điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng tương đối thuận lợi để phát triển cây táo. Các vườn hầu hết đều được “mặc áo” bằng màng che phủ để hạn chế tối đa nhất có thể sự gây hại của sâu bệnh, nhất là ruồi vàng;… thể hiện sự quan tâm đầu tư chăm sóc của bà con. Tuy nhiên, một bộ phận người dân còn lạm dụng thuốc BVTV hóa học, ít quan tâm đến sử dụng phân hữu cơ và thuốc sinh học dẫn đến mẫu mã và chất lượng táo phần nào chưa hài lòng người tiêu dùng.

Để sản xuất táo tại địa phương đạt hiệu quả cao, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững trong thời gian tới, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đã xây dựng mô hình: “Thâm canh táo hướng hữu đạt tiêu chuẩn VietGAP” tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong. Mục tiêu của mô hình nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thâm canh táo theo tiêu chuẩn VietGAP với phương thức sản xuất hướng hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu; giúp tăng hiệu quả kinh tế so với sản xuất thông thường từ 15-20%; tuyên truyền vận động nông dân thay đổi dần tập quán canh tác truyền thống, từ đó nhân rộng mô trên bàn xã cũng các vùng trồng táo khác trên địa bàn huyện Tuy Phong.

Mô hình được thực hiện trên diện tích 18 ha/57 hộ tham gia. Trong quá trình triển khai mô hình gặp mưa lớn làm ảnh hưởng đến năng suất và vị ngọt của quả táo. Thời tiết tháng 8,9,10 có mưa ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây táo. Tuy nhiên, vào những tháng cuối năm thời tiết thuận lợi, ít mưa nên cây táo sinh trưởng và phát triển tốt. Một số đối tượng có xuất hiện như rệp sáp phấn, ruồi vàng, sâu đục trái, bọ trĩ, sâu đục trái, bệnh… nhưng tỉ lệ còn thấp không cần can thiệp thuốc BVTV. Tại một số điểm nhiều rệp sáp, bệnh phấn trắng, cán bộ khuyến nông đã hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc sinh học để phòng trừ. Kết quả cho thấy, cây táo sinh trưởng phát triển khỏe, dễ ra hoa, đậu quả. Quả hình trứng, khi chín có màu xanh vàng, thịt quả màu trắng, ít nhớt và giòn, hương vị quả thơm nhẹ.

leftcenterrightdel
 Kiểm tra mô hình

Toàn bộ diện tích thực hiện mô hình đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP ngày 26/12/2023 của Cty Cổ phần Chứng nhận và Kiểm nghiệp FAO tại TP Cần Thơ. Giá trị hiệu lực của chứng nhận trong 03 năm từ 26/12/2023 – 25/12/2026.

Về hiệu quả kinh tế, năng suất mô hình bình quân đạt 50 tấn/ha/năm. Với giá bán 11.000 đồng/kg; tổng chi phí mô hình 211 triệu đồng/ha; doanh thu đạt 550 triệu đồng/ha; mô hình thu lợi nhuận 340 triệu đồng/ha. Như vậy, lợi nhuận tăng hơn so với ngoài mô hình 47 triệu đồng/ha, tức tăng 16,5%, đạt mục tiêu của của mô hình. Tuy nhiên, nếu liên kết được với các công ty hay doanh nghiệp thu mua sản phẩm thì giá táo VietGAP sẽ cao hơn giá táo thường khoảng 1,5 lần, từ đó lợi nhuận táo theo VietGAP sẽ tăng hơn táo sản xuất đại trà khoảng 90 triệu đồng/ha/năm. Do đó, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận đang tiến hành thương thảo với công ty TNHH Thái Thuận tại Ninh Thuận thu mua táo từ mô hình.

Bên cạnh những mặt đạt được, mô hình còn những khó khăn, tồn tại như: địa bàn triển khai mô hình rộng, nhiều hộ tham gia, nông dân còn bỡ ngỡ khi áp dụng quy trình VietGAP; ghi nhật ký còn lúng túng, chưa kịp thời; chưa chủ động. Thu hoạch táo gần như theo hình thức “cuốn chiếu” nên việc áp dụng thuốc BVTV sinh học, thảo mộc cho mô hình có ý nghĩa quan trọng; nếu sử dụng thuốc hóa học thì khó đảm bảo thời gian canh ly theo quy định

leftcenterrightdel
Táo có hình trứng, khi chín có màu xanh vàng, thịt quả màu trắng, ít nhớt và giòn, hương vị quả thơm nhẹ

Ông Ngô Thái Sơn – PGĐ Phụ trách TTKN Bình Thuận khẳng định mô hình đã thành công như mong đợi, đạt mục tiêu đề ra. Ông Sơn đề nghị các hộ dân và địa phương tiếp tục duy trì thực hiện tốt quy trình sản xuất táo hướng hữu cơ đạt chứng nhận VietGAP; từng bước mở rộng thị trường cung ứng, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, giữ vững thương hiệu được chứng nhận, hướng đến sản xuất táo theo tiêu chuẩn chất lượng cao hơn (sản xuất hữu cơ) trong thời gian đến. Bà con nên thường xuyên cập nhật việc ghi chép sổ nhật ký hàng ngày, làm cơ sở cho việc truy xuất nguồn gốc, sự kiểm tra của cơ quan chức năng khi có yêu cầu; đặc biệt là không nên chăn thả gia cầm trong vườn táo để đảm bảo an toàn cho đàn gia súc và vườn được sạch sẽ theo quy chuẩn sản xuất VietGAP

Đối với chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan, ông Sơn đề nghị cần quan tâm dành kinh phí hỗ trợ xây dựng các điểm mô hình các năm tiếp theo. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn, đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại. Hỗ trợ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá sản phẩm táo VietGAP trên các phương tiện truyền thông để quảng bá thương hiệu, qua đó người tiêu dùng yên tâm dùng sản phẩm, đồng thời tạo “cú hích” cho người sản xuất phấn khởi. Hỗ trợ thành lập Tổ KNCĐ trên cơ sở các hộ tham gia mô hình và đẩy mạnh hoạt của Tổ gắn với tiêu thụ sản phẩm táo cho người dân. Tuyên truyền việc tăng tỉ lệ sử dụng phân hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh và tận dụng phế phụ phẩm của cây táo cho chăn nuôi và làm phân bón hữu cơ

Việc thực hiện mô hình bước đầu giúp tăng năng suất táo, đảm bảo chất lượng sản phẩm táo, giúp nông dân địa phương có thêm điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây táo theo hướng bền vững, hiệu quả, góp phần xây dựng nông thôn mới; qua đó góp phần đưa sản phẩm táo đạt chuẩn OCOP năm 2024.

Hồ Công Bình

Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận