Xác định phương pháp hoạt động khuyến nông không chỉ đơn thuần là truyền đạt kiến thức khoa học kỹ thuật mà còn là chuyển giao tri thức tự nhiên, xã hội, mang tính lan tỏa đến với người dân, chú trọng các mô hình sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, đổi mới để phù hợp với hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi tư duy, nhận thức của người nông dân, Trung tâm đã triển khai các mô hình sau:

Mô hình sản xuất cây ăn quả theo VietGAP phục vụ phát triển vùng nguyên liệu với liên kết tiêu thụ tại một số tỉnh Tây nguyên

Quy mô thực hiện 30 ha, tổng số hộ tham gia 30 hộ, 01 hộ dân tộc, địa điểm triển khai tại 3 huyện Krông Nô, Đắk Glong, Đắk Rlấp. Kết quả, với diện tích 20 ha sầu riêng, năng suất 12,5 tấn/ha với giá bán trung bình 65.000 đồng/kg thu về 812.500.000 đồng/ha, sau khi trừ hết chi phí lợi nhuận mang lại 669.326.000 đồng/ha, cao hơn sản xuất thông thường 15%. Mô hình được cấp tem truy xuất nguồn gốc và có chứng nhận VietGAP. Riêng các hộ được cấp mã vùng trồng người dân được cộng giá thưởng cao hơn 1.000 đồng/kg so với ngoài mô hình;

Đối với 10 ha bơ, năng suất trung bình hơn 11 tấn/ha với giá bán trung bình 20.000 đồng/kg, sau khi trừ hết chi phí lợi nhuận mang lại 140.086.000 đồng/ha, cao hơn sản xuất thông thường 15%, mô hình được cấp tem truy xuất nguồn gốc và có chứng nhận VietGAP. Thông qua mô hình đã giúp cho người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như nuôi cơi lá, làm bông, nuôi trái và tăng chất lượng trái, đặc biệt giảm được tỷ lệ trái rụng và trái có chất lượng thấp. Mô hình cũng đã liên kết ký hợp đồng với đơn vị thu mua trên địa bàn tỉnh, từ đó tạo niềm tin trong liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa người dân và doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
 Mô hình canh tác bơ theo VietGAP tại Quảng Phú                  

Mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại tỉnh Đắk Nông năm 2023

Đối với mô hình sản xuất cà rốt đạt tiêu chuẩn VietGAP quy mô 10 ha, 20 hộ tham gia, triển khai tại xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, năng suất trung bình đạt 35 tấn/ha, lợi nhuận hơn 120.000.000 đồng/ha/vụ, cao hơn sản xuất thông thường 20%, sản phẩm mô hình được chứng nhận VietGAP;

Đối với mô hình sản xuất cải bắp đạt tiêu chuẩn VietGAP quy mô 6 ha, 12 hộ tham gia, triển khai tại xã Đắk Ha, huyện Đắk Glong, năng suất trung bình đạt 30 tấn/ha, lợi nhuận gần 90.000.000 đồng/ha/vụ, cao hơn sản xuất thông thường 20%, sản phẩm mô hình được chứng nhận VietGAP.

Thông qua mô hình đã giúp cho người dân áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như xử lý và chuẩn bị đất trồng, gieo hạt, tưới nước giữ ẩm, tỉa cây, bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại cà rốt, đặc biệt biết cách sử dụng các loại thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, biết cách phòng trừ tuyến trùng hiệu quả. Mô hình liên kết ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm giữa đơn vị thu mua rau và các hộ tham gia mô hình, từ đó tạo niềm tin trong liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa người dân và doanh nghiệp. Không chỉ hiệu quả về mặt kinh tế mô hình đã có những hiệu quả thiết thực về mặt môi trường và xã hội. Người sản xuất có trách nhiệm với chính mình, môi trường và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, không còn tình trạng lạm dụng thuốc Bảo vệ thực vật cũng như phân bón hóa học trong sản xuất cà rốt mà tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ kết hợp phân bón hóa học một cách cân đối, hợp lý. Mô hình đã được người dân đánh giá cao và hưởng ứng, có khả năng nhân rộng.

leftcenterrightdel
Mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP (cải bắp) tại Đắk Ha 

Mô hình sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị

Quy mô 10 ha, với 10 hộ tham gia triển khai tại xã Nâm Nung, Tân Thành huyện Krông Nô, năng suất trung bình đạt 3,2 tấn/ ha, lợi nhuận thu về 167.879.000 đồng/ha, so với vườn sản xuất cà phê đại trà, tăng 38.268.500 đồng/ha. Thông qua mô hình, bà con nông dân đã nhận thức được lợi ích của việc canh tác cà phê theo hướng hữu cơ, từ đó giúp người dân thay đổi phương pháp canh tác, hướng đến sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sản xuất cà phê truyền thống. Mô hình nhằm phổ biến đến người nông dân về mô hình sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc và liên kết theo chuỗi giá trị, tuyên truyền nhân rộng mô hình để phát triển, tăng giá trị của cây cà phê, góp phần tăng thu nhập cho người dân trồng cà phê. Ngoài ra canh tác theo hướng hữu cơ giúp đảm bảo sức khỏe cho người trực tiếp lao động trên vườn, tăng “sức khỏe cho đất”, giảm ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí, giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Mô hình liên kết khoai lang an toàn thực phẩm đạt tiêu chuẩn ViepGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm

Triển khai tại xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, quy mô 5 ha, số hộ tham gia 10 hộ, sau 4 tháng triển khai mô hình đã cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt 17 tấn/ha; giá bán 15.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí lợi nhuận ròng thu về đạt 124.000.000 đồng/ha. Thông qua mô hình đã giúp người dân nhận thức được việc sản xuất khoai lang an toàn thực phẩm có liên kết tiêu thụ sản phẩm vừa an toàn về chất lượng, đảm bảo không có tồn dư các loại hóa chất gây độc hại cho con người bằng cách sử dụng đúng kỹ thuật, đảm bảo thời gian cách ly, sử dụng các loại thuốc có độ độc thấp, chủ yếu sử dụng trong giai đoạn đầu nên an toàn cho người sử dụng và môi trường sống. Ngoài ra, mô hình đã giúp các hộ dân hình thành thói quen và thay đổi tập quán sản xuất từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sản xuất có liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Trên cơ sở các kết quả đạt được, để tiếp tục giúp người dân thay đổi suy nghĩ tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp thì cần phải nỗ lực để khuyến khích nông dân phát triển kinh tế hộ theo hướng hàng hóa bền vững; các cấp, ngành liên quan trên địa bàn tỉnh nỗ lực tìm kiếm, hỗ trợ xây dựng các mối liên kết chuỗi. Điều đó, kỳ vọng sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sản xuất, tiêu thụ nông sản tại địa phương.

 Nguyễn Thị Thảo

Trung tâm Khuyến nông và Giống NLN Đăk Nông