Gia đình chị Vi Thị Chiến ở thôn 10, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút là một trong 20 hộ gia đình đã được Trung tâm ứng dụng KHCN thuộc Sở KHCN tỉnh Đăk Nông chọn để thực hiện Dự án. Với diện tích 5 sào cà phê già cỗi, năng suất thấp, gia đình chị đã được hỗ trợ giống, phân bón vi sinh và phân bón nước Amil để áp dụng thực hiện Dự án. Theo chị Chiến thì trước đây việc trồng và chăm sóc cà phê chỉ theo kinh nghiệm, chi phí nhiều nhưng năng suất không cao. Làm cà phê bền vững, theo kế hoạch nên vườn cà phê được chăm sóc cẩn thận, giảm chi phí đầu tư, năng suất cao hơn, giá ổn định.
Triển khai thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học để canh tác cà phê bền vững” trong thời gian qua, Trung tâm ứng dụng KHCN tỉnh Đắk Nông đã tổ chức nhiều đợt tập huấn cho nông dân trồng cà phê về Bộ quy tắc 4C; xây dựng nhật ký nông hộ; kỹ thuật nhân giống và phê; kỹ thuật tạo hình cây cà phê; kỹ thuật tưới nước; quản lý dinh dưỡng; quản lý sâu bệnh hại; ghép cải tạo cà phê vối và biện pháp chăm sóc sau ghép, thu hoạch, chế biến, bảo quản và nâng cao chất lượng cà phê; an toàn vệ sinh lao động và sơ cấp cứu; thực hành tạo hình, cắt cành, ghép cải tạo; thực hành bón phân và chuẩn đoán sâu bệnh hại… Thông qua lớp tập huấn kết hợp giữa lý thuyết và thực hành trực tiếp trên vườn cà phê đã giúp đội ngũ khuyến nông viên và nông dân nòng cốt tích lũy được những kiến thức cơ bản về sản xuất cà phê bền vững có chứng nhận và biết áp dụng vào thực tế sản xuất trên vườn cà phê của gia đình; đồng thời phổ biến nhân rộng cho nông dân tại địa phương.
Có thể nói, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học để canh tác cà phê bền vững” đã góp phần nâng cao kiến thức và kỹ năng cho người sản xuất cà phê; sử dụng có hiệu quả tài nguyên nước, tài nguyên đất, tiết kiệm chi phí, sản xuất theo quy trình hợp lý; góp phần giảm chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, Dự án đã làm thay đổi tập quán canh tác của người trồng cà phê, bảo vệ môi trường và bảo tồn các nguồn tài nguyên, hạn chế phát triển của các loại bệnh hại nguy hiểm. Từ đó, tăng chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm cà phê trên thị trường trong nước và quốc tế.
Theo ông Đỗ Lần – Chủ tịch Hội Nông dân xã Tâm Thắng thì hiện nay trên địa bàn xã Tâm Thắng đã xây dựng thành công 10 ha cà phê bền vững. Dự án sản xuất cà phê bền vững đã phát huy hiệu quả, giúp người nông dân giảm chi phí, tăng hiệu quả sản xuất. Trong thời gian tới, để Dự án này thành công hơn nữa thì cần thêm những điều kiện đủ đó là 3 yếu tố: đất đai phải phù hợp, không phát triển nóng ở những vùng không phù hợp; sử dụng các loại giống được tuyển chọn đạt tiêu chuẩn; phải hữu cơ hóa vườn cà phê (trước đây bón phân vô cơ quá nhiều). Đặc biệt, tỷ lệ thu hái phải đảm bảo, điều này liên quan đến công tác an ninh của vườn cà phê khi bước vào thời điểm thu hoạch.
Hy vọng, với hiệu quả bước đầu của Dự án “sản xuất cà phê bền vững”, thời gian tới các cấp, các ngành sẽ quan tâm đầu tư nhân rộng mô hình này để cây cà phê giảm bớt áp lực đối diện với tình trạng cà phê lão hóa sớm do không bảo đảm kỹ thuật và bị “bóc lột” quá sức, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê./.
Hương Thơm
Đài Truyền thanh huyện Cư Jút, Đắk Nông