Giải pháp tổ chức thực hiện chăn nuôi lợn bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả, bền vững dựa vào quản lý cộng đồng, là cách làm tập trung, tác động, can thiệp thay đổi“Tư duy, nâng tầm ý thức, trách nhiệm của cộng đồng/nông dân trong cách làm nông nghiệp nói chúng, lĩnh vực chăn nuôi nói riêng”, tức là cộng đồng/chủ thể sản xuất chủ động gắn kết chặt chẽ, bền vững với các tác nhân trong chuỗi ngành hàng chăn nuôi để tạo tạo ra sản phẩm có sức canh tranh cao, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi và phát triển chăn nuôi một cách bền vững,  hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Thực tế trong 3 năm, từ 2020 đến 2023, TTKN Lào Cai đã chủ động tham mưu thành công cho ngành, tỉnh thực hiện nhiều chương trình, dự án, mô hình, hoạt động áp dụng “Giải pháp tổ chức thực hiện chăn nuôi lợn bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả, bền vững dựa vào quản lý cộng đồng”. Cụ thể như sau:

(1) Mô hình chăn nuôi lợn thịt bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả, bền vững dựa vào quản lý cộng đồng thực hiện tại 6 xã, gồm: xã Lùng Cải, xã Nậm Đét (Bắc Hà), xã Lùng Khấu Nhin, xã Bản Sen (Mường Khương), xã Nậm Chày (Văn Bàn), xã Phìn Ngan (Bát Xát). Trong 6 xã trên có đến 4 xã thuộc xã đặc biệt khó khăn của tỉnh Lào Cai.

Kết quả thực tế mô hình đã mang lại hiệu quả giá trị kinh tế cao. Sau 07 tháng thực hiện tỷ lệ sống của đàn lợn đến khi xuất bán đạt ≥ 90%; trọng lượng bình quân 78-80 kg/con (đạt 120% so với kế hoạch), chất lượng thịt thơm ngon, tăng giá trị thu nhập cho người chăn nuôi 30-35% so với chăn nuôi đại trà, vượt 20-25% so với mục tiêu kế hoạch, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình tham gia mô hình.

Mô hình góp phần rất lớn trong việc thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi theo hướng tiên tiến (chăn nuôi an toàn sinh học); thay đổi nhận thức của nhân dân về chăn nuôi theo hướng đầu tư thâm canh, an toàn trước nguy cơ dịch bệnh; người chăn nuôi được nâng cao nhận thức trong việc tổ chức sản xuất chăn nuôi lợn thịt bản địa an toàn sinh học dựa vào cộng đồng thích ứng với biến đổi khí hậu góp phần xóa đói giảm nghèo cho cho đồng bào dân tộc vùng cao, miền núi, giúp ổn định an sinh xã hội.

(2) Dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa dựa vào quản lý cộng đồng theo hướng an toàn sinh học có giá trị kinh tế cao tại một số tỉnh miền núi phía Bắc”, được thực hiện tại 2 tỉnh: Lào Cai và Hà Giang, thuộc nguồn vốn Trung ương.

Kết quả dự án cho thấy các hoạt động chăn nuôi dựa vào quản lý cộng đồng, mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao. Sau 8 tháng nuôi, 1 lợn nái sinh sản sẽ cho thu nhập trên 17 triệu đồng, hiệu quả kinh tế chênh lệch so với trước khi thực hiện dự án khoảng trên 2,5 triệu đồng/con; hiệu quả kinh tế tăng trên 15%.

Chính việc cộng đồng quản lý, cùng nhau lập kế hoạch chăn nuôi, cùng nhau giám sát trong việc sử dụng lợn nái, sử dụng thức ăn, phòng trừ dịch bệnh và thực hiện nghiêm túc công tác vệ sinh giúp cho lợn nái phát triển khỏe mạnh, nâng cao chất lượng và duy trì nguồn gen cũng như những đặc tính quý của giống bản địa. Thông qua việc khai thác sử dụng lợn đực giống bản địa tốt, chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật an toàn sinh học làm cho lợn tăng trưởng, phát triển khỏe mạnh, tầm vóc, thể trạng cân đối, góp phần làm nâng cao hiệu quả phối giống trong chăn nuôi. Dự án đã góp phần nâng cao kiến thức cho người chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để nâng cao giá trị kinh tế, đảm bảo vệ sinh môi trường, hạn chế dịch bệnh trong chăn nuôi.

leftcenterrightdel
 Cán bộ khuyến nông hướng dẫn hộ chăn nuôi vệ sinh phòng bệnh cho đàn lợn

(3) Dự án “Nâng cao vị thế kinh tế của phụ nữ thông qua thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp- Chuỗi giá trị ngành hàng thịt lợn” và Dự án “Kinh doanh hiệu quả cùng phụ nữ dân tộc thiểu số - Tự tin làm giàu từ lợn địa phương tại tỉnh Lào Cai”, do tổ chức Oxfam Việt Nam tài trợ, thực hiện tại 2 huyện Bắc Hà và Mường Khương.

Thông qua các hoạt động dự án có hàng nghìn lượt người được tham gia và tiếp cận với các hoạt động dự án; thành lập được trên 30 tổ hợp tác chăn nuôi dựa vào quản lý cộng đồng; 100% các tổ hợp tác mạnh dạn, chủ động và khá tự tin về tổ chức sản xuất, cũng như liên kết ngang trong sản xuất. Hầu hết các thành viên, các tổ nhóm sở thích chủ động hàng năm xây dựng kế hoạch phát triển cho bản thân, gia đình và cho tổ nhóm để có phương án chủ động ứng phó với thay đổi về thời tiết, tình hình dịch bệnh, giá cả thị trường; các hộ chăn nuôi trên địa bàn dự án thay đổi tư duy, nhận thức về chăn nuôi theo hướng bền vững dựa vào chính cộng đồng. Hiện nay cơ bản các hộ chăn nuôi đã vận dụng tốt trong việc lập kế hoạch của gia đình mình, xác định được những hướng đi mới để phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập của gia đình.

leftcenterrightdel

Các hộ chăn nuôi sôi nổi thảo luận các giải pháp chăn nuôi lợn  bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả, bền vững dựa vào quản lý cộng đồng  

Như vậy, ngoài việc mạng lại hiệu quả kinh tế cao, các chương trình, dự án, mô hình áp dụng giải pháp chăn nuôi lợn thịt bản địa an toàn dịch bệnh, hiệu quả, bền vững dựa vào quản lý cộng đồng còn mang lại nhiều giá trị về tư duy, thái độ, và hành động của nông dân trong cách làm, cách đầu tư trong nông nghiệp, phát triển sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút tối đa nguồn lực trong cộng đồng, doanh nghiệp và nhân dân để thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng góp phần tăng trưởng mục tiêu kinh tế của tỉnh.

Lê Thanh Hương

Trung tâm khuyến nông và DVNN tỉnh Lào Cai