Cái khó nhất là bà con đồng bào dân tộc ở đây chỉ quen đốt nương làm rẫy và khai thác cá tự nhiên bằng chài lưới, chưa biết nuôi cá lồng. Từ hiệu quả và những kinh nghiệm rút ra của mô hình nuôi cá lồng ở xã Quy Hướng, huyện Mộc Châu, năm 2010, xã Chiềng Bằng đã xây dựng mô hình này và đã phát huy hiệu quả.
Mục tiêu của mô hình là ứng dụng kỹ thuật nuôi cá lồng tại xã Chiềng Bằng, sau đó tiếp tục nhân rộng ra toàn vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, nhằm chuyển đổi sản xuất sau khi đồng bào dân tộc tái định cư tại cơ sở mới, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, đồng thời cung cấp thực phẩm cho thị trấn huyện Quỳnh Nhai (mới) và các vùng lân cận.
Năm 2010 tỉnh Sơn La triển khai dự án phát triển nuôi cá lồng tại tại xã Chiềng Bằng quy mô 20 lồng, tương đương 360m3. Khung lồng làm bằng tre, cỡ cá thả 150-250g/con; đối tượng thả là cá trắm cỏ và cá chép, thời vụ thả tháng 8/2010, thức ăn sử dụng là các sản phẩm sẵn có tại địa phương như: cỏ, lá sắn và cây chuối, khoai lang; thức ăn tinh là ngô, thóc, cám gạo, củ sắn… Sau 6 tháng nuôi, cá phát triển tốt không bị dịch bệnh, tỷ lệ sống đạt 90%; khối lượng bình quân đạt 1,5 kg/con cá trắm cỏ; 1,7 kg/con cá chép. Tổng số lượng cá thu được 6.750 kg, giá bán 60.000 đồng/kg, tương đương 405.000.000 đồng. Trừ chi phí giống, thức ăn, khấu hao lồng và công chăm sóc, lợi nhuận thu được 175.660.000 đồng.
Qua mô hình nuôi cá lồng tại xã Chiềng Bằng cho thấy, đồng bào dân tộc vùng tái định cư thủy điện Sơn La hoàn toàn có thể phát triển nuôi cá lồng tại lòng hồ thủy điện Sơn La. Đây là mô hình có ý nghĩa rất lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất, tận dụng mặt nước hiện có, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc trên chính lòng hồ của mình, hạn chế phá rừng làm rẫy, ổn định đời sống, góp phần xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an ninh chính trị và trật tự xã hội.
Tuy nhiên, để phát triển nuôi cá lồng quy mô lớn và bền vững tại hồ thủy điện Sơn La cần phải thực hiện tốt 6 giải pháp cơ bản sau:
Một là: Các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn la sớm thực hiện quy hoạch địa điểm nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sơn La;
Hai là: Chủ động sản xuất con giống cung cấp tại chỗ, không thể vận chuyển xa như hiện nay, tránh để con giống bị sây sát, hạn chế tỷ lệ cá chết và dịch bệnh trong quá trình vận chuyển.
Ba là: Thành lập các hợp tác xã, hội, câu lạc bộ nuôi các lồng để giúp nhau trong nuôi trồng, phòng trừ dịch bệnh và tiêu thụ sản phầm.
Bốn là: Tỉnh hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại cho đồng bào.
Năm là: Nhà nước có chính sách đặc thù cho đồng bào dân tộc vùng tái định cư là hỗ trợ 100% giống và thức ăn, hóa chất phòng trừ dịch bệnh; hỗ trợ 50% tiền làm lồng vì chi phí làm lồng lần đầu chiếm 70% chi phí đầu tư cho nuôi 1 lồng cá, đây là khoản chi phí rất lớn đối với đồng bào dân tộc vùng tái định cư hiện nay.
Sáu là: Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền và tập huấn cho bà con về lợi ích của nuôi cá lồng và khai thác thủy sản bền vững, kết hợp nuôi trồng-khai thác với bảo vệ môi trường sinh thái.
Kim Văn Tiêu