leftcenterrightdel

Mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ thuộc Dự án khuyến nông Trung ương

Các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, liên kết tiêu thụ sản phẩm

Mô hình chăn nuôi gà theo VietGAHP, liên kết tiêu thụ sản phẩm: Các hộ tham gia mô hình đều được chứng nhận VietGAHP và liên kết với Công ty Cổ phần giống gia cầm Lượng Huệ để giết mổ tập trung, có tem truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm thịt gà được tiêu thụ tại các siêu thị và bếp ăn khu công nghiệp. Hiệu quả kinh tế mô hình tăng 17,5% so với chăn nuôi truyền thống.

Mô hình chăn nuôi lợn thịt chứng nhận VietGAHP, gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm: Đây là mô hình thuộc dự án chăn nuôi được triển khai tại các tỉnh có tiềm năng phát triển chăn nuôi lợn như Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hoá, Hà Nam, Nam Định và Nghệ An. Mô hình đã cung cấp 10.000 kg thịt hơi chứng nhận VietGAHP, bảo an toàn thực phẩm, có tem truy xuất. Công ty Công Danh, Công ty Thiên Thuận Tường, HTX Thiên Lộc và các hộ chăn nuôi đã tạo nên chuỗi liên kết từ chăn nuôi, đến giết mổ tập trung, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tổ chức lại sản xuất:  Lĩnh vực chăn nuôi đã triển khai 34/38 mô hình (89,5%) liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Các sản phẩm như: trứng gà, thịt gà, lợn, bò, sữa dê và mật ong đều có tem truy xuất nguồn gốc và liên kết với các doanh nghiệp/HTX để đưa sản phẩm tiêu thụ tại siêu thị, cửa hàng nông sản, khu công nghiệp, trường học … Vì vậy, đầu ra luôn ổn định và cao hơn giá bán của sản phẩm chăn nuôi thông thường từ 10 - 15%.

Các mô hình gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển các sản phẩm OCOP

Mô hình hợp tác xã nuôi ong xây dựng sản phẩm OCOP: Mô hình chuyển giao quy trình nuôi ong mật theo VietGAHP nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mật ong do kiểm soát tốt các chất tồn dư như kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm mật ong bảo đảm chất lượng và vệ sinh ATTP, phục vụ xuất khẩu. Xây dựng được sản phẩm OCOP mật ong rừng Bồ Đề của HTX Cổ Dề Chải.

Mô hình chăn nuôi gà bản địa theo hướng hữu, tạo vùng nguyên liệu xây dựng sản phẩm OCOP. Mô hình đã có sự liên kết chặt chẽ gữa các hộ chăn nuôi và HTX và tạo sản phẩm OCOP gà đen H’mông của HTX chăn nuôi Yên Hoà Phú.

Các mô hình góp phần phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi số

Mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ đã được nhân rộng tại các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Sóc Trăng, Đồng Tháp và Đồng Nai. Mô hình chăn nuôi gà theo hướng hữu cơ được triển khai tại Phú Thọ, Thái Nguyên, Hà Nội, Tuyên Quang, Thanh Hoá và Vĩnh Phúc. Mô hình ong mật theo hướng hữu cơ được triển khai tại Lâm Đồng, Đắk Lắk, Nghệ An, Sơn La và Bắc Giang. Do chất lượng sản phẩm của các mô hình theo hướng hữu cơ nâng lên rõ rệt nên giá bán cao hơn chăn nuôi truyền thống 30% (thịt lợn), 25% (thịt gà) và 22% (mật ong).

Mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi bò thịt gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm: Mô hình tổ chức liên kết HTX chăn nuôi bò thịt với Công ty Đông Thành và Công ty giống gia súc Hà Nội tạo ra sản phẩm thịt bò BBB. Chất thải chăn nuôi được xử lý bằng chế phẩm sinh học làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Hiệu quả kinh tế tăng 21,5%, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Hải Nguyễn