Xã Vĩnh Thái có tổng diện tích gần 1.500 ha, chủ yếu là đất cát bạc màu nên canh tác nông nghiệp gặp không ít khó khăn. Bên cạnh khai thác kinh tế biển, xã Vĩnh Thái cũng chú trọng lựa chọn các loại cây trồng, con nuôi phù hợp với đặc điểm đất đai đặc thù của địa phương. Trong đó, cây môn nịt là một trong những loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế và thu nhập cao cho bà con. Dựa trên những tiềm năng đất đai, con người nơi đây, Trung tâm KN tỉnh đã khảo sát để thực hiện mô hình trồng môn nịt theo hướng hữu cơ nhằm tạo nguồn sinh kế, góp phần ổn định cuộc sống. Từ đó góp phần vào công tác bảo vệ rừng ven biển của địa phương, một trong những mục tiêu của dự án FMCR đặt ra.

Mô hình được triển khai tại thôn Tân Hòa, xã Vĩnh Thái, huyện Vĩnh Linh trên diện tích 2 ha với 20 hộ tham gia. Đây là những diện tích ruộng cao ráo, thoát nước tốt và không bị ngập úng vào mùa mưa. Điểm khác biệt của mô hình là thay vì xuống giống vào tháng 9 như truyền thống của người dân trước đây, Trung tâm KN tỉnh đã quyết định sản xuất trái vụ, thời điểm xuống giống vào tháng 4.

Kỹ sư Lê Thị Tú, cán bộ trực tiếp chỉ đạo mô hình cho biết, cây môn nịt là cây trồng truyền thống của người dân xã Vĩnh Thái. Mùa vụ trồng thông thường là xuống giống vào tháng 9 dương lịch hàng năm và thu hoạch vào khoảng tháng 3 – 4 năm sau. Tuy nhiên, qua nghiên cứu đặc điểm thổ nhưỡng vùng đất cát bạc màu, ít dinh dưỡng tại địa phương; đặc điểm sinh học của cây môn nịt. Trung tâm KN tỉnh đã bố trí thời vụ trồng từ tháng 4 nhằm hạn chế được sâu bệnh do thời gian nắng, khô ráo nhiều hơn.

Trước khi xuống giống ruộng mô hình được cày bừa kĩ, bón lót bằng phân hữu cơ vi sinh, phân khoáng, chế phẩm sinh học. Mật độ trồng khoảng 25.000 cây/ha. Quá trình trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật đã được hướng dẫn. Đặc biệt, do trồng theo hướng hữu cơ nên trong quá trình chăm sóc các hộ thực hiện mô hình đã tích cực quan sát, theo dõi và phát hiện các đối tượng sâu, bệnh hại để có biện pháp phòng trừ hiệu quả, an toàn. Tuyệt đối không dùng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học mà chỉ dùng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc thân thiện môi trường và an toàn cho người sử dụng.

leftcenterrightdel
Sản phẩm môn hữu cơ đáp ứng nhu cầu thị trường 

Chị Khìu, một trong những hộ thực hiện mô hình cho biết, cây môn nịt là cây trồng chủ lực của gia đình bên cạnh cây ném. Tuy nhiên, đây cũng là loại cây trồng chịu tác động rất lớn của thời tiết và các loại sâu bệnh hại. Nhất là khi thời tiết diễn biến phức tạp, mưa kéo dài, nắng mưa xen kẽ, đôi khi còn xuất hiện sương muối. Những khi thời tiết này xảy ra cây môn rất dễ bị thối lá, rụi cây và hiện tượng này rất khó để phòng tránh. Nhưng khi trồng trái vụ, thời tiết chủ yếu nắng ráo nên mức độ sâu bệnh hại ít hơn nhiều.

Theo kỹ sư Lê Thị Tú, cây môn vừa sử dụng củ vừa sử dụng thân lá nên việc phòng trừ sâu bệnh hại kịp thời để giúp cho cây sinh trưởng thuận lợi, bảo vệ bộ lá nhằm giúp cây quang hợp tốt là rất cần thiết. Tại mô hình, qua theo dõi đã có xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh hại như rệp mềm, nhện đỏ, sâu ăn lá, cháy lá nhưng với mức độ nhẹ, ít hơn rất nhiều so với trồng chính vụ. Để phòng trừ, các hộ đã được hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV sinh học, sau phun phân bón qua lá để phục hồi.

Sau hơn 7 tháng xuống giống, mặc dù đây là lần đầu tiên người dân tại địa phương trồng trái vụ nhưng kết quả cho thấy cây môn nịt thích hợp với thời vụ trồng này và cho năng suất cao. Không chỉ thu hoạch sản phẩm chính là củ môn (củ cái) với năng suất 10 – 12 tấn/ha, mà còn thu củ con (còn gọi là đáu) để làm giống cho vụ sau với năng suất khoảng 3,2 tấn/ha. Ngoài ra, thân môn còn được thu hoạch để làm dưa muối với năng suất khoảng 7,5 tấn/ha. Trừ chi phí cho lợi nhuận khoảng 147 triệu đồng/ha, cao gấp nhiều lần so với trồng lạc và các cây trồng cạn khác trên cùng diện tích đất canh tác. Đặc biệt tạo ra sản phẩm hữu cơ sạch đáp ứng nhu cầu thị trường.

Giám đốc Trung tâm KN tỉnh Trần Cẩn nhấn mạnh, bên cạnh hiệu quả kinh tế vượt trội, mô hình trồng môn nịt còn góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động địa phương, tận dụng được thời gian nhàn rỗi của người dân thông qua việc trồng, chăm sóc, thu hoạch. Nâng cao nhận thức cho cộng đồng, tạo ra sản phẩm có tính hàng hóa, đảm bảo an toàn, thân thiện với môi trường, giảm ô nhiểu và bảo vệ môi trường sống, hệ sinh thái đồng ruộng, hạn chế sử dụng các hóa chất BVTV và phân bón hóa học.

 “Thông qua hoạt động sản xuất chúng tôi còn lồng ghép những buổi sinh hoạt tuyên truyền về bảo vệ môi trường sống cho sinh vật biển ven bờ; duy trì tính đa dạng sinh học vùng ven biển; góp phần điều hoà khí hậu, làm trong sạch môi trường, không xâm hại đến hệ sinh thái rừng trồng ven biển và rừng mới trồng cũng như tuyên truyền công tác bảo vệ, quản lý rừng cộng đồng tốt hơn”, ông Cẩn cho biết thêm.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham quan mô hình

Lan Anh – Lê Tú

Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị