Mô hình triển khai cho 2 tàu cá QT-93647-TS, của ông Võ Văn Dũng có chiều dài 16 m, công suất 410 cv và tàu cá QT-94619-TS ông Võ Văn Hùng có chiều dài 17 m, công suất 410 cv tại thị trấn Cửa Việt, Gio Linh, Quảng Trị.
Hệ thống tời thủy lực cho nghề lưới rê tầng đáy với cấu tạo gồm 16 bộ phận chính: động cơ lai, bộ ly hợp, bơm dầu, két dầu, sinh hàn, van điều chỉnh, đường dầu đi, đường dầu về, đường dầu hồi, con lăn dẫn hướng chính, con lăn dẫn hướng phụ, tang tời, con lăn kẹp, mâm tời, trục tời xoay 360 độ (đế tời), động cơ thủy lực. Tính mới được thể hiện ở điểm thay thế hệ thống tời cơ ma sát bằng hệ thống tời thủy lực cho nghề lưới rê tầng đáy, được thiết kế có thể quay 360 độ và thu lưới được cả 02 bên mạn tàu.
Ông Lê Đức Thắng – Phó trưởng phòng Thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị cho biết nghề lưới rê tầng đáy hiện nay còn mang tính chất thủ công và bán cơ giới, sử dụng tời cơ ma sát, quá trình thao tác chủ yếu sử dụng sức lao động của con người. Việc này đã làm nảy sinh rất nhiều khó khăn, tồn tại trong quá trình hoạt động như: số mẻ khai thác giảm, thời gian thu thả lưới kéo dài làm giảm hiệu quả khai thác, mất nhiều sức lao động, an toàn lao động không cao. Hệ thống tời thủy lực cải tiến sẽ khắc phục những nhược điểm trên, có khả năng thay đổi tốc độ, đảo chiều quay, xoay chuyển nhanh nên kéo cá lên tàu dễ dàng. Giảm chi phí nhiên liệu do được thiết kế chỉ sử dụng 1 máy chính và không cần dùng thêm máy phụ. Hệ thống tời thủy lực cải tiến thiết kế trục để hệ thống tời có thể quay 360 độ, còn tời cơ ma sát chỉ lắp cố định. Tời thủy lực cải tiến được lắp đặt giữa tàu, còn tời cơ ma sát chỉ lắp ở 01 bên mạn tàu; hệ thống tời thủy lực cải tiến có thể thu được lưới cả 02 bên mạn tàu, còn tời cơ ma sát chỉ thu được 01 mạn.
Qua triển khai thử nghiệm công nghệ tời thủy lực cải tiến đã mang lại những kết quả vượt trội. Ông Võ Văn Dũng, chủ tàu QT-93647-TS cho biết nhờ áp dụng công nghệ tời thủy lực cải tiến đã giúp giảm được nhân công lao động và sức lao động nên thu nhập cho lao động trên tàu tăng lên nhiều so với tàu lắp tời cơ ma sát. Tốc độ thu lưới nhanh hơn, khoảng 1 - 1,5 phút/cheo lưới và có thể thay đổi theo ý muốn so với tời cơ ma sát chỉ đạt 2,5 - 3 phút/cheo lưới và không thể thay đổi. Giảm được thời gian thu lưới xuống còn 0,67 lần nên giảm chi phí nhiên liệu chạy tàu, từ đó tăng hiệu quả kinh tế.
“Chuyến biển vừa rồi tàu chúng tôi thu được 70 triệu đồng. Nếu những chuyến đi biển trước thì chi phí gần hết nhưng lần này nhờ áp dụng công nghệ tời thủy lực cải tiến nên chi phí đã giảm được 35 triệu đồng. Về phần nhân công, trước đây cần 7 người, giờ chỉ cần 4 người cũng giúp tiết kiệm chi phí. Anh em bạn lại được chia phần nhiều hơn, trước chỉ được 4-5 triệu thì nay 8- 9 triệu”, ông Dũng vui vẻ nói.
Ông Võ Văn Hùng, chủ tàu QT-94619-TS cho biết qua các chuyến biển của tàu thấy, hệ thống tời hoạt động ổn định, vận hành êm, không có hiện tượng trục trặc, bung dây giềng phụ khi thu lưới, gia tăng mức độ an toàn lao động, đặc biệt trong điều kiện sóng to, gió lớn. Hệ thống máy thu lưới thủy lực có thể hoạt động trong thời gian dài, qua quá trình tàu hoạt động không có hiện tượng quá tải. Tốc độ thu lưới nhanh cho phép tàu cá có thể trang bị tăng thêm từ 90 đến 100 cheo lưới, từ đó tăng hiệu quả kinh tế.
    |
 |
Ứng dụng hệ thống tời thủy lực trên tàu lưới rê tầng đáy đem lại hiệu quả cao hơn cho chuyến biển |
Ông Phan Hữu Thặng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Trị cho biết thêm, hiện nay lao động của khai thác hải sản đang có xu hướng giảm, trong khi số lượng tàu cá có xu hướng tăng lên hàng năm nên đã gây rất nhiều khó khăn cho các chủ tàu trong việc tìm kiếm nhân công để thực hiện các chuyến biển. Khi ứng dụng hệ thống tời thủy lực trên tàu lưới rê tầng đáy đã giảm thời gian thu lưới được một nửa nên giảm được nhân công. Ngoài ra thời gian thu hoạch nhanh, cá không bị xây xát và được vào hầm bảo quản kịp thời nên chất chất lượng cá tốt hơn, từ đó giá bán sản phẩm cao hơn. Bên cạnh đó sử dụng hệ thống này sẽ giảm chi phí nhiên liệu chạy máy tàu do khi lắp đặt hệ thống tời thủy lực chỉ sử dụng 01 máy chính và không dùng thêm máy phụ nên sẽ tăng lợi nhuận sau 1 chuyến đi biển. Chính vì vây, áp dụng nghề này để chuyển đổi những nghề như lưới kéo, các nghề có nguy hại sang nghề thân thiện với môi trường hơn, hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây.
Trong thời gian tới, thực hiện Quyết định 858 của Thủ tướng Chính phủ về cơ giới hóa trong nông nghiệp, trong đó có lĩnh vực thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị sẽ tăng cường hướng dẫn, phổ biến cho bà con để áp dụng nhằm mục đích cơ giới hóa, giảm sức lao động trước tình trạng hiện nay thiếu hụt sức lao động nghề biển. Việc triển khai mô hình sẽ giúp ngư dân tiếp cận, ứng dụng thành thạo hệ thống tời thủy lực, nhằm tăng sản lượng khai thác, tăng thu nhập của ngư dân sau mỗi chuyến biển xa bờ, đồng thời hướng đến nghề cá chuyên nghiệp, hiện đại.
Phan Việt Toàn
Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị